Sáng nay (22/10), kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá 13 khai mạc tại Hà Nội. Với những nhiệm vụ quan trọng của một kỳ họp cuối năm như: xây dựng pháp luật, xem xét các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho năm mới, tại kỳ họp này, một vấn đề chắc chắc được đông đảo cử tri quan tâm đó là việc Quốc hội giám sát tối cao “việc thực hiện chính sách pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai”.
Trong năm nay, Quốc hội có 2 cuộc giám sát tối cao. Đó là giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn và giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai. Cả 2 cuộc giám sát này đều liên quan trực tiếp đến nhân dân, trong đó chủ yếu là nông dân.
Từ hoạt động giám sát việc thực hiện pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ ra rằng: đơn khiếu nại, tố cáo hàng năm mà các cơ quan hành chính nhà nước nhận được có khoảng 70% là đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai.
Theo cách nói của ông Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội thì đây là con số bất bình thường trong một đất nước. Bất bình thường bởi lẽ: các vụ việc thuộc cơ quan hành chính Nhà nước thụ lý giải quyết thì tỷ lệ khiếu nại, tố cáo đúng và khiếu nại, tố cáo có đúng, có sai chiếm khoảng 47,8%. Tỷ lệ khởi kiện đúng và đúng một phần tại Toà án nhân dân các cấp khoảng 19,5% các vụ được đưa ra xét xử.
Qua đó, có thể thấy việc khiếu nại, tố cáo của công dân là có cơ sở, việc ra quyết định hành chính về đất đai của các cấp chính quyền còn nhiều sai sót và nếu không chỉ đạo quyết liệt, giải quyết triệt để sẽ tiềm ẩn những nguy cơ gây mất ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, tác động tiêu cực vào niềm tin, tâm lý, hành động của một bộ phận cán bộ và nhân dân đối với chính quyền.
Nguyên nhân phát sinh khiếu nại tố cáo thì có nhiều. Đó là sự bất cập của hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai; có nhiều hạn chế trong việc ban hành các quyết định hành chính, có cả sự thiếu hiểu biết và thiếu ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận nhân dân.
Nhưng có một nguyên nhân quan trọng làm nên sự bức xúc trong nhân dân, gây mất lòng tin trong nhân dân chính là sự yếu kém trong công tác tổ chức thi hành pháp luật về đất đai, cùng với đó là sự thiếu gương mẫu, sa sút về phẩm chất, đạo đức của một bộ phận cán bộ công chức. Xin nhắc lại con số 47,8% dân khiếu nại, tố cáo đúng và 19,5% được ngành toà án công nhận đúng và đúng một phần đã phản ánh phần nào thực trạng này.
Có lẽ trong lĩnh vực quản lý Nhà nước thì ít có lĩnh vực nào lại có sự sai sót nhiều đến thế và cũng ít có lĩnh vực nào mà tình trạng cửa quyền, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân lại phổ biến như lĩnh vực đất đai. Sự sa sút phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ được thể hiện qua những hành vi tiêu cực, gian lận trong lập phương án bồi thường về đất đai, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm dụng các chương trình, dự án của nhà nước để trục lợi, lợi dụng chức quyền để chia chác đất đai.
Việc lựa chọn vấn đề để giám sát tối cao của Quốc hội là xuất phát từ lợi ích của nhân dân. Hoạt động giám sát không chỉ tìm ra được căn nguyên của tình trạng khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực đất đai, mà còn huy động được sự tham gia của nhân dân để từ đó nắm bắt được tâm tư và nguyện vọng của nhân dân.
Nhưng điều quan trọng là sau giám sát, những đề xuất, kiến nghị cần được thực hiện nghiêm túc. Trong thời điểm hiện nay, khi mà Luật đất đai đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung thì kết quả giám sát cũng là một trong những căn cứ quan trọng để chỉnh sửa Luật đất đai./.