thu-tuong-123-04953.jpg

Sáng 22/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày trước Quốc hội Báo cáo của Chính phủ về “Tình hình kinh tế, xã hội năm 2012 và nhiệm vụ năm 2013”.

Dự trữ ngoại hối đạt trên 11 tuần nhập khẩu

Nội dung nổi bật của báo cáo nêu rõ: So với đầu năm, lãi suất cho vay đã giảm. Tỷ lệ tín dụng cho khu vực nông nghiệp và nông thôn tăng. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng có bước cải thiện. Huy động tiền gửi tăng 12,7%. Tỷ giá ổn định, niềm tin vào đồng tiền Việt Nam được củng cố, khắc phục một bước tình trạng sử dụng ngoại tệ, vàng để làm phương tiện thanh toán trong nước. Xuất khẩu tăng 18,9% đạt 83,79 tỷ USD, nhập khẩu tăng 6,6%, đạt 83,76 tỷ USD. Ước xuất khẩu cả năm tăng 16,6%, nhập khẩu tăng 6,8%, nhập siêu khoảng 1 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối tăng, đạt trên 11 tuần nhập khẩu; cán cân thanh toán quốc tế thặng dư trên 8 tỷ USD.

Về kiềm chế lạm phát, đã kiên trì mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ chặt chẽ. Kinh tế vĩ mô có những tiến bộ trên một số tiêu chí quan trọng.

Lạm phát bước đầu được kiềm chế, giá tiêu dùng 9 tháng tăng 5,13%. Trong những tháng cuối năm sẽ thực hiện các biện pháp để giữ mức lạm phát cả năm khoảng 8%.

Thu ngân sách đạt 67,3%, chi ngân sách đạt 71,2% dự toán. Với tín hiệu tích cực của những tháng cuối năm, ước thu ngân sách cả năm đạt kế hoạch, bảo đảm được các nhiệm vụ chi và giữ bội chi ngân sách ở mức 4,8% GDP, đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước bằng 29,5% GDP (năm 2011 là 34,6%). Nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn được thực hiện, tình hình sản xuất kinh doanh dần được cải thiện. Hàng tồn kho giảm. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể giảm dần tuy vẫn còn cao so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp đăng ký mới tăng nhưng vẫn thấp hơn năm trước.

Sản xuất công nghiệp tăng dần qua từng quý. Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng tăng 2,8%, ước cả năm tăng 5,3%. Công nghiệp khai khoáng và các ngành sản xuất gây ô nhiễm, tiêu tốn năng lượng tăng thấp hơn mức bình quân. Nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài áp dụng công nghệ cao có xuất khẩu tăng mạnh.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục phát triển, giữ vai trò rất quan trọng trong ổn định kinh tế và đời sống nông thôn. Giá trị sản xuất toàn ngành 9 tháng tăng 3,7%, ước cả năm đạt khoảng 3,9%.

Tăng trưởng kinh tế 9 tháng đạt 4,73%, ước cả năm đạt khoảng 5,2%, thấp hơn kế hoạch nhưng quý sau cao hơn quý trước, lạm phát được kiềm chế, kinh tế vĩ mô ổn định hơn… là những dấu hiệu tích cực để phát triển bền vững trong thời gian tới.

Tại Kỳ họp trước, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và chỉ đạo triển khai thực hiện các đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu thị trường tài chính, ngân hàng và tái cơ cấu đầu tư theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (Khoá XI), coi đây là những nội dung quan trọng trong tổng thể tái cơ cấu. Đã chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện thể chế về đầu tư nhằm huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội vào đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước. Đổi mới việc lập kế hoạch vốn đầu tư tập trung, vốn trái phiếu Chính phủ và vốn chương trình mục tiêu quốc gia từ kế hoạch hàng năm sang kế hoạch trung hạn; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, vượt quá khả năng cân đối của ngân sách,tập trung vào các chương trình, dự án quan trọng. Quy định rõ trách nhiệm của người quyết định đầu tư về chất lượng và hiệu quả của các công trình xây dựng. Đã chỉ đạo rà soát, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch nhiều ngành, lĩnh vực, địa phương để làm cơ sở quản lý đầu tư trung và dài hạn.

Với tinh thần đó, Chính phủ đã triển khai thực hiện tái cơ cấu ngân hàng thương mại, nhất là các ngân hàng yếu kém, gắn với việc xử lý nợ xấu. Tăng cường thanh tra, giám sát đối với các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, chứng khoán, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm bảo đảm cho thị trường tài chính phát triển lành mạnh .Triển khai thực hiện tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước theo hướng tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính, quy mô phù hợp với thị trường, năng lực quản trị và khả năng tài chính. Tập trung hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp và quản lý của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước. Quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của từng chủ thể, nhất là của bộ quản lý ngành và hội đồng quản trị doanh nghiệp.

Kinh tế tiếp tục khó khăn

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, nổi lên là: Kinh tế vĩ mô chưa vững chắc. Lạm phát vẫn có nguy cơ tăng trở lại. Nợ xấu gia tăng, xử lý còn chậm và còn nhiều khó khăn. Lãi suất tín dụng còn cao so với hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tăng trưởng huy động vốn cao hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng cho vay; chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay còn lớn. Doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, khó tiếp cận được nguồn vốn, tồn kho lớn. Số lượng doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động còn nhiều. Thị trường bất động sản đình trệ, chưa có khả năng phục hồi sớm, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả thấp, vi phạm pháp luật, gây thất thoát lớn tài sản nhà nước. Tái cơ cấu tập đoàn Vinashin còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Tiến trình tái cơ cấu đầu tư, doanh nghiệp nhà nước, thị trường tài chính, ngân hàng thương mại đang ở giai đoạn đầu, còn nhiều khó khăn, cần có quyết tâm cao, nguồn lực cần thiết và lộ trình thích hợp. Chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa được cải thiện nhiều. Năng lực dự báo kinh tế, xã hội còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.

Nhìn tổng quát, trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, công tác lãnh đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong các nghị quyết của Đảng và Quốc hội, đạt và vượt 10 trên 15 chỉ tiêu kế hoạch. Lạm phát được kiềm chế, kinh tế vĩ mô chuyển biến theo hướng ổn định hơn, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng cao, khẳng định vai trò quan trọng trong ổn định và phát triển đất nước. Tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đạt được một số kết quả bước đầu. An sinh xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt những kết quả tích cực. Quốc phòng, an ninh được tăng cường. Trật tự an toàn xã hội có tiến bộ.

Tuy nhiên, còn 5 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch, khó khăn của nền kinh tế vẫn còn lớn, hạn chế, yếu kém còn nhiều. Các nhiệm vụ trung hạn nhằm tạo lập nền tảng cho ổn định vĩ mô và tăng trưởng bền vững mới ở giai đoạn khởi động, thách thức còn ở phía trước. Trong khi đó, nhiệm vụ còn lại của những tháng cuối năm là rất nặng nề. Để đạt được mục tiêu tăng GDP cả năm 5,2% thì quý IV phải đạt mức tăng 6,5% (trong khi mức tăng quý III chỉ là 5,35%) đòi hỏi cả hệ thống chính trị, các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp phải nỗ lực thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao trở lại, tích cực chuẩn bị các điều kiện cho tăng trưởng cao hơn trong năm 2013./.