Sau tốt nghiệp Đại học, chị Nguyễn Thị Khuyên, sinh năm 1983, ở thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái về làm việc cho một nhà máy xi măng trên địa bàn.
Với đồng lương lao động chỉ trên dưới 3 triệu đồng/tháng, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, nhất là khi xây dựng gia đình và hai đứa con lần lượt chào đời. Chị Khuyên cho biết, nhiều hôm hết giờ làm, chị đã đạp xe đi khắp thành phố Yên Bái xem nhu cầu thị trường hiện nay để cùng chồng cung cấp mối hàng.
Đầu năm 2018, nhận thấy nhu cầu dùng ngói trong xây dựng ở Yên Bái và các tỉnh lân cận ngày càng cao, với kiến thức có được trong những năm làm việc tại nhà máy xi măng, cùng với sự hỗ trợ của Đề án “Phụ nữ khởi nghiệp”, “Thanh niên khởi nghiệp”, chị đã vay được 3 tỷ đồng mở Công ty chuyên sản xuất và kinh doanh ngói màu không nung Nasaki theo công nghệ ép ướt, không tạo ra khí thải của Nhật Bản, công suất hơn 2 triệu viên/năm với trên 3.000 màu.
Chị Nguyễn Thị Khuyên giới thiệu về ngói màu không nung của mình. |
Tuy nhiên, vừa thành lập được nửa năm, thị trường chưa có, sản xuất chưa vào ổn định… những người làm cùng, công nhân quen việc đều bỏ ra đi.
Với phương châm “Chậm mà chắc, luôn giữ chữ tín với khách hàng”, hoạt động sản xuất, kinh doanh của chị Khuyên ngày càng hiệu quả và vượt qua khó khăn ban đầu. Chỉ sau hơn 2 năm, sản phẩm ngói màu không nung Nasaki đã vươn ra nhiều tỉnh thành. Song song với đó, tạo ra việc làm thường xuyên cho 14 lao động với mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng/người, trong đó có 9 lao động nữ.
“Tôi luôn nghĩ là không có con đường cùng và khả năng của con người là vô tận, nếu như mình quyết tâm đi tới tận cùng đam mê là chắc chắn sẽ thành công. Tôi cũng rất thích quan điểm phát triển kinh tế, phát triển bền vững và đi đôi với bảo vệ môi trường quê hương” - chị Khuyên nói.
Nhiều chị em Yên Bái có việc làm từ các mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ. |
Còn chị Hoàng Kim Liên, ở phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái khởi nghiệp chỉ với hơn 300.000 đồng tích cóp từ nhiều năm để mở quán bán hàng tạp hóa.
Sau hơn 20 năm phát triển với nhiều khó khăn, thử thách, từ một quầy hàng tạp nhỏ với vài gói muối, mì chính, giờ chị Liên đã có một cửa hàng Thương mại Tổng hợp với giá trị hàng hóa lên đến 10 tỷ đồng và khối tài sản vài chục tỷ.
Bên cạnh đó, cửa hàng chị còn tạo việc làm ổn định cho 11 chị em với mức thu nhập bình quân hơn 6 triệu đồng/người/tháng và đóng góp ngân sách địa phương khoảng 600 triệu đồng mỗi năm.
Chị Liên chia sẻ, để có được như ngày hôm nay, cả chục năm liền chị phải cố gắng rất nhiều để vừa phát triển kinh doanh, vừa làm tốt vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ của một người vợ, người mẹ.
“Tới đây cửa hàng có kế hoạch mở rộng, đó là tầng 3 mở khu vui chơi cho thiếu nhi; tầng 4 mở câu lạc bộ Yoga để khi khách hàng đông lên thì thu nhập của chị em trong cửa hàng tăng lên. Thứ hai là để tạo ra việc làm cho các chị em khác chưa có việc tại tỉnh nhà” - chụ Liên cho biết.
Cùng với phát triển kinh doanh, chị Liên còn luôn quan tâm, gắn bó với các lao động, nhân viên của mình như những chị em trong nhà và đóng bảo hiểm xã hội cho 100% lao động. Do đó, người ít nhất cũng đã hơn 6 năm, người nhiều là trên 15 năm gắn bó cùng chị.
“Tôi học xong ra trường về đây cũng là môi trường gắn bó đầu tiên và thấy công việc cũng phù hợp với điều kiện, khả năng của mình nên gắn bó hơn 15 năm rồi. Tôi và tất cả các chị em đều nghĩ gắn bó ở đây là cái may mắn, vì ngoài chuyện lương thưởng ra chính là tình cảm, sự sẻ chia” - chị Phạm Thị Sen, nhân viên kế toán tại Cửa hàng Thương mại Tổng hợp Tâm Liên nói.
Chị Hoàng Kim Liên (bên phải) cùng các nhân viên của mình chuẩn bị các mặt hàng phục vụ dịp 3/8. |
Chị Nguyễn Thị Khuyên và Hoàng Kim Liên chỉ là hai trong số hàng nghìn mô hình kinh tế do chị em phụ nữ làm chủ hoạt động hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các chị em phụ nữ trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cần thiết trong việc lập kế hoạch khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và nâng cao hiệu quả hoạt động, hàng năm Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tỉnh Yên Bái đã chủ trì tổ chức các lớp tập huấn cho hàng nghìn chị em phụ làm chủ kinh tế; hỗ trợ về vốn, hỗ trợ thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp...
Riêng trong năm 2019, Hội phụ nữ tỉnh phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tư vấn, hỗ trợ thành lập được 9 hợp tác xã; 5 doanh nghiệp và hơn 300 tổ hợp tác do nữ làm chủ. Tạo ra việc làm với thu nhập bình quân hơn 3 triệu đồng/người/tháng cho hàng nghìn chị em.
“Hội LHPN tỉnh Yên Bái đã ban hành kế hoạch hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, đặc biệt là các mô hình kinh tế tập thể và tổ chức tuyên truyền đến các hội viên, nhất là các hội viên có điều kiện về kinh tế để thành lập lên các mô hình kinh tế tập thể. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành, các trường Đại học, học viện tập huấn cho các chị em có nhu cầu thành lập doanh nghiệp, tổ hợp tác...” - bà Hà Thị Đóa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Yên Bái cho biết.
Biết phát huy tiềm năng lợi thế của quê hương và sự quyết tâm, chịu khó tự tìm hướng đi thích hợp trên chính mảnh đất quê hương mình, phụ nữ Yên Bái đã vượt qua khó khăn vươn lên làm giàu chính đáng, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của mình trong giai đoạn mới./.
Phụ nữ khởi nghiệp thời 4.0 đòi hỏi tiếp cận công nghệ mới