Hiện nay, phụ nữ cả nước làm chủ hơn 100.000 doanh nghiệp, chiếm tương ứng hơn 20% tổng số doanh nghiệp. Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020, sẽ có 35% số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, cần những chính sách hỗ trợ cụ thể hơn cho doanh nghiệp nữ.
Phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu Bình Thuận, quả thanh long dần trở thành thu nhập chính của người dân nơi đây. Tuy nhiên, đã có giai đoạn quả thanh long liên tục rớt giá khiến nông dân phải bán rẻ sức lao động của mình, thậm chí là đổ bỏ khiến ai cũng xót xa.
Bà Lê Nguyện (đứng giữa) cùng các nhân viên đóng gói sản phẩm rượu vang thanh long. (Ảnh: Internet) |
Mặc dù chưa có kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, nhưng dự án của bà được người dân nhiệt tình ủng hộ. Dựa vào công thức làm rượu cổ truyền, bà Nguyện và các xã viên tự nghiên cứu và thử nghiệm công thức làm rượu từ trái thanh long. Quy trình làm rượu không khó, nhưng để có những chai rượu ngọt dịu và đẹp mắt là vô số lần thất bại và những khó khăn mà bà và hợp tác xã phải trải qua.
“Từ một kỹ sư bê tông cốt thép chuyển sang làm nông nghiệp việc tiếp cận hơi khó khăn nên cần làm dần từng bước. Mặc dù chưa hài lòng về sản phẩm của mình, nhưng húng tôi đặt ra tiêu chí luôn phải cải tiến làm sao chất lượng sản phẩm ngày càng ngon hơn, hợp tác xã mới tồn tại vững chắc, lâu dài được”, bà Lê Nguyện kể lại.
Cần chính sách thiết thực hỗ trợ các doanh nghiệp nữ
Năm 2013, chị Thảo khởi nghiệp với cửa hàng nhỏ chuyên bán các sản phẩm hữu cơ nhưng gặp nhiều khó khăn vì lượng khách ít, người tiêu dùng chưa tin tưởng về chất lượng sản phẩm hữu cơ. Chị quyết định thuê mảnh đất rộng gần 2 ha để đầu tư làm trang trại trồng rau hữu cơ.
Nhưng khó khăn về vốn để cải tạo đất và hàng loạt những chi phí khác khiến chị Phạm Phương Thảo phải bán nhà, vay nợ... Với những nỗ lực không ngừng, sau 3 năm, giấc mơ sản xuất rau hữu cơ đã thành sự thực, chị Phạm Thị Phương Thảo trở thành giám đốc Công ty cổ phần thương mại - dịch vụ mùa, đơn vị sở hữu trang trại hữu cơ Organica.
“Mình có thể bán được hàng cho bạn bè bởi niềm tin, nhưng khi muốn bán hàng ra thị trường cả nước thì lúc đó không chỉ có niềm tin là được. Vì vậy, bây giờ việc phải tìm được ngày càng nhiều khách hàng tiêu thụ hơn để những người nông dân yên tâm hơn, yên lòng hơn với việc mình đang kinh doanh”, chị Thảo chia sẻ.
Chị Phạm Phương Thảo và ước mơ trang trại rau hữu cơ. (Ảnh: Internet) |
Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đang xây dựng đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2027” trình Chính phủ phê duyệt, nhằm mục tiêu tới năm 2020 sẽ có 35% số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong tổng số hơn 1 triệu doanh nghiệp của cả nước.
Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cho biết, Hội đưa ra chỉ tiêu trong giai đoạn 5 năm tới cố gắng hỗ trợ để thành lập được 300 hợp tác xã.
“Số hợp tác xã này so với toàn quốc không lớn, nhưng để làm được cũng nhiều khó khăn. Cần vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở địa phương và bản thân sự nỗ lực cán bộ hội các cấp, hỗ trợ, hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo. Đồng thời, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp mới thành lập; xây dựng và phát triển các hoạt động liên kết, phát triển mạng lưới xúc tiến thương mại. Đây là điểm rất quan trọng hỗ trợ chị em phụ nữ”, bà Tuyết cho biết.
Phụ nữ thời hiện đại không chỉ chăm lo việc gia đình mà ngày càng tham gia có hiệu quả trong công tác xã hội. Trong đó, riêng lĩnh vực kinh tế, những doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đang tạo ra hàng triệu việc làm và đóng góp vào sự phát triển chung kinh tế - xã hội của đất nước./.