Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 và giao cho Trung ương Hội LHPN Việt Nam chủ trì với mục tiêu hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh khởi nghiệp của phụ nữ, góp phần phát triển kinh tế đất nước và thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Sau hơn 1 năm triển khai, đề án này bước đầu đã phát huy được hiệu quả, khơi dậy tiềm năng của phụ nữ để khẳng định phụ nữ hoàn toàn có thể làm kinh tế giỏi.

 Vốn là một thợ may gia công thuê, chị Nguyễn Thị Thảnh, xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninhdù phải rất vất vả nhưng thu nhập vẫn không đủ trang trải nuôi các con ăn học. Năm ngoái, là một trong những người đầu tiên được tiếp cận với nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh, chị Thảnh quyết định đi học may áo dài.

Sau khi học xong, chị Thảnh đã mở cửa hàng thiết kế và may áo dài. Sau hơn 1 năm xưởng may có 20 máy may và 15 công nhân nữ hoạt động hết công suất. Chị còn tạo điều kiện cho nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn và người khuyết tật được học nghề. Sản phẩm và thương hiệu may áo dài của chị Thảnh giờ đây không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà nhiều bạn hàng quốc tế cũng tìm đến và tin tưởng ở tay nghề của chị.

Chị Nguyễn Thị Thảnh chia sẻ: "Lúc đầu tôi vay 350 triệu để xây dựng nhà xưởng và máy móc. Tôi phải phục vụ nhu cầu may cao cấp nên cần vốn để phát triển… Bán hàng bằng cách chia sẻ lên mạng xã hội cũng được nhiều khách đặt hàng".

bac_ninh_nzbj.jpg
Mô hình trồng rau sạch của hội viên phụ nữ huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: baobacninh.com.vn)

Còn chị Nguyễn Thị Lan vốn là Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Du, từ thực tế nhiều hộ dân trong thôn, trong xã bỏ ruộng do trồng ngô vất vả, hiệu quả kinh tế lại không cao, chị Lan đã mạnh dạn vay 900 triệu vốn từ Quỹ hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của huyện Tiên Du để thầu 3,5 héc ta đất ruộng trồng mới cây măng tây, cho thu nhập cao từ 80  đến 100 nghìn đồng/kg.

Chị Nguyễn Thị Lan cho biết: "Bản thân tôi rất mong muốn mình làm trước, sau này có kinh nghiệm, có nguồn thu khả thi thì sẽ triển khai cho hội viên cùng làm. Tôi muốn chuyển đổi những cây năng suất thấp và hiệu quả không cao để họ có thu nhập, tạo sự phát triển kinh tế".

Quyết định số 939 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025 được UBND tỉnh Bắc Ninh giao cho Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bắc Ninh chủ động phối hợp với các sở, ngành và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh triển khai thực hiện từ những tháng đầu năm 2018. Với nỗ lực tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, sau hơn 1 năm triển khai Bắc Ninh đã hỗ trợ giải ngân vốn cho 29 ý tưởng, đến nay hầu hết các ý tưởng đều hiện thực hóa thành công, trở thành một trong những địa phương đi đầu trong việc khơi dậy, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp của phụ nữ.

Bà Nguyễn Thị Hằng, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh cho hay: "Cuối năm 2018 chúng tôi tham mưu đề xuất với UBND tỉnh và Ủy ban tỉnh đã cấp 30 tỷ đồng nguồn vốn địa phương nâng tổng số vốn của chúng tôi lên 50 tỷ đồng thông qua Ngân hàng chính sách xã hội để hỗ trợ cho chị em khởi nghiệp, sẽ phối hợp với ngân hàng thẩm định và giải ngân tạo điều kiện cho chị em phát triển''.

Những kết quả mà phụ nữ Bắc Ninh nói riêng và phụ nữ của các tỉnh, thành trong cả nước đang triển khai hoạt động Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp là nền tảng khẳng định tiềm năng, sức sáng tạo và đặc biệt là đức tính cần cù, yêu lao động của phụ nữ Việt Nam. Từ những mô hình hay, cách làm tốt, có thể cho thấy phụ nữ khởi nghiệp không khó và hoàn toàn có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển kinh tế của đất nước./.