Tại Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP HCM với các doanh nghiệp (DN) nước ngoài được tổ chức ngày 30/8 tại TP HCM, nhiều DN đến từ Nhật Bản, Mỹ và châu Âu cho rằng, nếu không sớm cải tổ thủ tục hành chính thì cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong thời gian tới sẽ hẹp hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực.

“Nóng” chuyện mất thời gian

Theo bà Nicola Connolly, Phó chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), những năm gần đây, luôn có khoảng 80% các DN thành viên Eurocham tỏ ra hài lòng với những chính sách ưu đãi của Chính phủ Việt Nam với các DN FDI. Tuy nhiên, từ cuối năm 2012 đến nay tình hình có xu hướng xấu đi.

tthc.jpg
Các DN mệt mỏi vì phải mất thời gian điều chỉnh các văn bản cho phù hợp yêu cầu.

Khảo sát gần đây nhất cho thấy, có khoảng 15% DN trong tổng số 800 DN thành viên Eurocham bắt đầu quan tâm phương án di dời dự án sang các quốc gia lân cận. Lý do, theo nhận định, là do những lợi thế để tiết giảm chi phí đầu vào như nhân công rẻ, chính sách ưu đãi ở Việt Nam… đang bị chững lại.

Cụ thể hơn, ông Yamaguchi Kimio, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP HCM cho rằng, việc cấp phép đầu tư thường phải đi qua nhiều cửa với các “giấy phép con” từ các bộ, ngành mà nhiều trường hợp không có sự thống nhất với đơn vị cấp phép chính. Vì thế, các DN phải chờ đợi tốn kém thời gian và tiền bạc. Song song đó, các thủ tục về thuế, hải quan điện tử cũng không đáp ứng kịp thời nhu cầu của DN.

Đồng tình quan điểm này, ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) cho rằng, hiện nay bộ máy công quyền của Việt Nam đang vận hành chậm hơn so với nhu cầu hoạt động thương mại hướng tới mở cửa sâu rộng nền kinh tế. 

Bởi ngoài một số đơn vị công quyền tại các thành phố lớn, người công chức được chú trọng đào tạo nghiệp vụ thì hầu hết ở các địa phương, các cán bộ chuyên trách thường chỉ làm việc theo nguyên tắc từ hình thức đến nội dung. Cách thức làm việc này khiến cho các DN mệt mỏi vì phải mất thời gian điều chỉnh các văn bản cho phù hợp yêu cầu. Chưa kể mỗi cấp công quyền lại có những quy định riêng không thống nhất.

Sẽ tiến hành nhặt sạn

Giải đáp những trăn trở của các DN FDI đưa ra trong buổi tọa đàm, ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh, trong thời gian này, TP HCM sẽ tiếp tục rà soát để loại bỏ các dự án đầu tư không hiệu quả và tháo gỡ những khó khăn về thủ tục hành chính cho các dự án chứng minh được tính khả thi. Ông Hà cho rằng, quan điểm của TP HCM là đối với những hồ sơ đầu tư đã có tiền lệ thì mặc dù UBND thành phố vẫn gửi công văn xin ý kiến các bộ, ngành, nhưng nếu chưa có trả lời mà DN hoàn thành được các thủ tục, thành phố vẫn sẽ cấp giấy phép đầu tư ngay.

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, từ nay đến tháng 10/2013 Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ban ngành khác nghiên cứu hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 108/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Trong dự thảo Nghị định mới này, việc phân cấp trong việc quản lý các dự án đầu tư nước ngoài sẽ được thống nhất, minh bạch, tạo điều kiện cho các DN nước ngoài đầu tư vào các địa phương dễ dàng hơn. 

Vì trong thời gian qua, các quy định của Luật Đầu tư, có nhiều chỗ chưa rõ ràng, thiếu đồng bộ, nên mỗi địa phương hiểu một kiểu, dẫn đến tranh chấp, kiện tụng giữa nhà đầu tư nước ngoài và địa phương.

Riêng về những trăn trở liên quan đến lộ trình tăng lương cơ bản và giờ làm thêm cho lao động, bà Nguyễn Thị Dân (Sở Lao động - Thương binh và xã hội TP HCM) cho rằng, hiện nay việc tăng mức lương cơ bản chủ yếu chỉ làm tăng chi phí đóng bảo hiểm xã hội của DN chứ không làm tăng đáng kể tổng quỹ lương của DN.

Theo bà Dân, hiện nay do việc các DN sử dụng lao động thời vụ quá nhiều, khiến cho mức đóng bảo hiểm xã hội rất thấp, các chính sách hỗ trợ người lao động gần như không có, là nguyên nhân lao động ở nhiều nơi bất bình. Vì thế, bà Dân khuyến cáo trong thời gian tới, nếu muốn tuyển dụng được lao động, các DN cần tính toán chính sách lương thưởng phù hợp, không nên đóng bảo hiểm xã hội cho lao động dựa trên mức lương quá thấp so với thực tế.

“Việc tăng lương cơ bản chủ yếu là do yếu tố trượt giá. Thực tế hiện nay với mức sống ở các thành phố lớn tại Việt Nam, để giữ được lao động thì các DN phải đảm bảo cho người lao động có mức thu nhập 145 USD/tháng. Vì thế nâng mức lương cơ bản lên 10 -15% là nhu cầu có thực”, bà Dân cho biết./.