Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã góp phần rất lớn trong việc duy trì tốc độ phát triển nền kinh tế Việt Nam những năm vừa qua, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới suy giảm.

Ngoài những yếu tố thuận lợi về mặt chủ trương, nguồn nhân lực… nhiều doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam vẫn còn gặp phải những khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết dứt điểm về thủ tục hành chính, chính sách thuế, thủ tục hải quan, xuất nhập khẩu…

Doanh nghiệp lo hạ tầng yếu, thủ tục trùng lặp

Ông Shim Won Hwan, Tổng Giám đốc công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV) kiến nghị, các cấp chính quyền địa phương cần nỗ lực tạo ra môi trường cư trú ổn định về nhà ở, hạ tầng sinh hoạt cho công nhân, giúp cho họ yên tâm, tin tưởng gắn bó với công ty lâu dài.

phaithongsuot13b1.jpg
Doanh nghiệp FDI vẫn còn nhiều vướng mắc về thủ tục thuế, hải quan. (Ảnh: dddn.com.vn)

Về phía công ty TNHH Canon Việt Nam, Tổng Giám đốc Katsuyoshi Soma cho rằng, hệ thống đường sá, cảng biển, năng lực vận tải cũng như hệ thống cung cấp điện năng của Việt Nam đôi khi còn hạn chế. Đặc biệt lĩnh vực vận tải cần phải phát triển vượt bậc để đáp ứng nhu cầu giao thương trong tình hình hiện nay, tránh chậm chễ ùn tắc trong việc vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp.

“Lượng điện tiêu thụ cho sản xuất của các doanh nghiệp sẽ tăng lên rất nhiều trong thời gian tới. Ngoài ra, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, Canon Việt Nam cũng hết sức cố gắng đồng hành với Việt Nam trong vai trò này”, ông Katsuyoshi Soma nêu ý kiến.

Đại diện công ty Canon Việt Nam cho rằng, cần cắt giảm bớt thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực hải quan đối với các doanh nghiệp ưu tiên, vì trong lĩnh vực xuất – nhập khẩu linh kiện, nguyên liệu và thành phẩm, vấn đề thời gian là lợi thế cho từng doanh nghiệp nhiều khi bị chậm trễ do việc kéo dài thời gian làm thủ tục thông quan.

Tổng Giám đốc Ryu Hang Ha, đại diện công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam kiến nghị đối với hàng nguyên vật liệu tạm nhập, tái xuất cần tăng thời gian ân hạn thuế lên 365 ngày. Đối với nguyên vật liệu, vật tư (thép tấm cỡ lớn), “Doosan kiến nghị đối với nguyên vật liệu dư thừa đã được sử dụng gia công phải được đánh giá là sản phẩm phế liệu mà không đánh giá tính thuế theo nguyên liệu ban đầu”, ông Ryu Hang Ha nói. Việc tạm nhập thiết bị vận chuyển siêu trường siêu trọng của Doosan bị đánh thuế 100% khi nhập khẩu và hoàn thuế 60% khi tái xuất (chi phí có khi lên tới 1,2 triệu USD) gây tốn kém quá lớn cho công ty.

Bà Nguyễn Thị Thúy, Giám đốc quan hệ Chính phủ của Intel Việt Nam kiến nghị: “Ngay giữa các doanh nghiệp hoạt động trong lãnh thổ Việt Nam mà vẫn cần phải có giấy phép xuất nhập khẩu hóa chất gây mất thời gian, vì vậy nên chăng cần điều chỉnh việc xin giấy phép xuất - nhập khẩu theo định mức hàng năm”, bà Thúy nói.

Đại diện công ty Uniden Việt Nam bức xúc đối với các ấn phẩm Catalogue giới thiệu sản phẩm dưới dạng đĩa CD nhập khẩu từ nước ngoài để hoàn thiện sản phẩm xuất khẩu. Những sản phẩm này đều phải có giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông, thời gian kiểm duyệt từ 10 – 15 ngày, chi phí cho kiểm duyệt từng ấn phẩm của cùng loại sản phẩm rất lớn, gây lãng phí.

Đánh giá về hệ thống hải quan điện tử, ông Trần Minh Tuân đại diện công ty LG Việt Nam cho rằng, “hệ thống nhiều lúc bị lỗi không được báo trước đã khiến công ty không kê khai được làm lỡ hợp đồng, mất hết uy tín đối với các đối tác khách hàng. LG Việt Nam cũng kiến nghị xem xét bỏ áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng máy điều hòa nhiệt độ, nhằm nâng cao tính cạnh tranh của công ty trong quá trình xuất khẩu.

Sẽ sửa đổi quy định hợp lý

Ông Phan Sinh, Phó cục trưởng Cục CNTT và Thống kê Hải quan cho rằng, thủ tục hải quan đối với các doanh nghiệp ưu tiên khá thông thoáng. Về ân hạn thuế 275 ngày là quy định chung của Luật thuế và Tổng cục Hải quan. Tuy nhiên, nếu là doanh nghiệp sản xuất đặc thù thì cần có kiến nghị lên Bộ Công Thương cùng các cơ quan hữu quan khác để hưởng chế độ ưu đãi.

“Vật liệu dư thừa của công ty Doosan Việt Nam có kích thước quá lớn so với những sản phẩm cùng loại nên không thể cho phép bán dưới dạng phế liệu. Doanh nghiệp FDI nên tận dụng nguồn nguyên liệu nội địa, tránh phải làm thủ tục qua nhiều công đoạn. Sản phẩm đi kèm sản phẩm xuất khẩu nên được các công ty chủ động nhập khẩu trước”, ông Sinh cũng khuyến cáo.

Ông Hoàng Mạnh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho rằng, cơ quan thuế đã giảm bớt nhiều thủ tục bằng nhiều cách, tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp theo cơ chế tự tính, tự nộp và tự chịu trách nhiệm. Tổng cục Thuế chỉ chuyển qua giai đoạn hậu kiểm trên giấy tờ  cho nên hồ sơ, các chứng từ đều phải đầy đủ.

Thông cảm và chia sẻ với các doanh nghiệp FDI, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang thừa nhận, nền kinh tế của Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi, vì thế hệ thống cơ chế, chính sách, các quy định mặc dù đã có cố gắng rất nhiều để hoàn thiện hơn trong những năm vừa qua, nhưng về bản chất vẫn còn nhiều mặt chưa hợp lý. Đặc biệt là về thủ tục hành chính còn rườm rà, phiền hà thậm chí ở đâu đó còn có chuyện gây khó khăn cho doanh nghiệp.

“Mỗi doanh nghiệp đều có những khó khăn vướng mắc khác nhau, vì thế Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành có liên quan sẽ ghi nhận, tiếp thu những kiến nghị, đóng góp của các doanh nghiệp để tiến hành sửa đổi những quy định chưa hợp lý, hoặc báo cáo với Quốc hội, Chính phủ để có những điều chỉnh phù hợp, tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, lành mạnh cho các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam”, Thứ trưởng Lê Dương Quang nhấn mạnh./.