Cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” đang được triển khai với mục đích giúp người tiêu dùng nhận thức đúng chất lượng của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, góp phần xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng trong nước.

71% người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt Nam chất lượng cao

Theo thống kê mới nhất của Bộ Công Thương, một xu hướng đáng mừng hiện nay là người tiêu dùng Việt Nam ngày càng đánh giá cao hàng Việt Nam. Tại nhiều địa phương, các mặt hàng dệt may, da giày có tới 80% người ưa chuộng; nhóm hàng thực phẩm, rau quả có trên 58% người tiêu dùng ưa chuộng... đã có 71% người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt Nam chất lượng cao.

uhang_viet_venf.jpgCuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” đang được triển khai rộng khắp cả nước (Ảnh: TBTC)

Ông Trương Quốc Anh, ở Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội cho biết: thời gian trước, ông thường có thói quen tiêu dùng những mặt hàng giá rẻ, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc… Tuy nhiên, sau thời gian sử dụng thường có tuổi thọ sử dụng rất thấp.  Hiện tại gia đình ông sử dụng nhiều sản phẩm trong nước sản xuất, có nguồn gốc rõ ràng và dễ được phản hồi thông tin nếu như có sự cố xảy ra. Đồng thời, theo ông, tăng cường sử dụng hàng Việt Nam thời điểm này cũng là một cách để mỗi người dân thể hiện lòng yêu nước.

Theo đánh giá của ông Anh, “hàng Việt Nam đã có sự chú tâm đến chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Hàng Việt có thể tìm hiểu thông tin dễ dàng trên mạng và qua người thân, bạn bè”.

Thực tế cho thấy, chất lượng sản phẩm hàng hóa của Việt Nam đang ngày một được nâng cao. Đã có sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế như: cà phê, gạo, hạt điều, thủy sản, đồ gỗ, hàng may mặc, điện tử… Trước những diễn biến gần đây trên Biển Đông và xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng, các chuyên gia kinh tế cho rằng: đây là thời điểm thuận lợi để đẩy mạnh tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Tuy nhiên, để chương trình thực sự lan tỏa sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân rất cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức và hành vi của người dân với các sản phẩm trong nước. Bên cạnh đó, phải tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt cho các doanh nghiệp một cách bền vững, xây dựng và tổ chức các chương trình kết nối Cung - Cầu giữa nhà sản xuất, kinh doanh với nhà phân phối của các doanh nghiệp cả nước.

Doanh nghiệp trong nước phải tái cơ cấu để lấy lại thị trường sân nhà

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng: sự kiện Biển Đông là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước tái cơ cấu để lấy lại thị trường sân nhà. Nước ta có thị trường 90 triệu dân, đây là điều kiện tốt để tạo ra kim ngạch không nhỏ nếu chú tâm phân phối hàng hóa trên thị trường nội địa.

“Thực hiện chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, sự kiện Biển Đông là cú hích để chúng ta bắt buộc phải làm và làm nhanh hơn chủ trương này, và có thể tiếp cận được việc thay đổi để đối phó với với tình huống xấu nhất”- ông Hải nhấn mạnh.

Cùng với việc đẩy mạnh tiêu dùng tại thị trường trong nước bằng việc tung ra các sản phẩm may mặc chất lượng, giá cả hợp lý, Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân Hà Nội thời điểm này cũng đang quyết liệt trong việc tự chủ nguồn nguyên liệu đầu vào. Thay vì ký kết với Trung Quốc như thời gian trước, hiện tại, nhiều hợp đồng dài hạn được doanh nghiệp ký kết với các nhà cung cấp trong nước.

Bà Vũ Thị Ngân, Trưởng phòng cải tiến kỹ thuật công nghệ cho biết: Công ty đang chủ động nguyên liệu và có những dự án chủ động nguồn nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu đầu vào không bị lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Đồng thời, xây dựng nhà máy xử lý hoàn tất để cung cấp vải cho doanh nghiệp cắt may và cho để bán vải cho thị trường trong nước./.