Hàng hóa Thái Lan “lấn” thị phần
Số liệu mới nhất của Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cho thấy, kể từ khi cuộc vận động được triển khai từ năm 2009 đến nay, hàng Việt đã đáp ứng một phần nhu cầu của thị trường và dần chiếm ưu thế trong lòng người Việt với 71% người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt Nam chất lượng cao. Tại nhiều hệ thống siêu thị lớn, hàng hóa sản xuất trong nước đã chiếm tỷ trọng lớn, từ 80 - 90%.
Hàng Việt dần chiếm ưu thế trong lòng người tiêu dùng
Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ Công Thương, các chương trình phủ sóng hàng Việt còn thiếu tính bền vững, chưa tạo lập được kênh phân phối vững chắc tại địa bàn nông thôn, khu vực. Ngoài ra, việc quảng bá sản phẩm của các DN hiện nay còn yếu, khiến tính cạnh tranh của một số loại hàng Việt còn thấp. Hàng Trung Quốc và Thái Lan vẫn có nhiều cơ hội lấn sân.
Thống kê của Bộ Công Thương, mới đây, lượng hàng nhập khẩu của Thái Lan tăng mạnh, đứng thứ 2 trên thị trường, sau hàng Trung Quốc. Quần áo may sẵn, đồ dùng gia dụng do Thái Lan sản xuất đã có mặt tại gần 9.000 chợ trên cả nước và chiếm ưu thế so với những sản phẩm nhập khẩu cùng loại từ các nước khác. Đặc biệt, hàng điện tử, điện lạnh nhập khẩu từ Thái Lan chiếm đến 70% thị phần. Ngay cả các loại hoa quả tương tự của Việt Nam, hàng có xuất xứ Thái Lan cũng đã chiếm đến 40% thị phần, dù giá luôn cao hơn từ 30 - 50%.
Không chỉ ở các chợ, cửa hàng truyền thống, hàng Thái Lan đang xâm nhập vào hệ thống bán lẻ hiện đại. Theo phản ánh của nhiều siêu thị, trước đây, xu hướng dùng hàng Trung Quốc thì nay người dân chuyển sang dùng hàng Thái, đặc biệt là bánh kẹo, quần áo, mỹ phẩm…
Doanh nghiệp và nhà phân phối liên kết chặt
Bà Vũ Thị Kim Hạnh - Chủ tịch Hiệp hội Hàng Việt Nam chất lượng cao - nhìn nhận, hàng thuần Việt hiện nay rất khó cạnh tranh với hàng hóa của các công ty đa quốc gia sản xuất tại Việt Nam cũng như hàng nhập ngoại. Để cạnh tranh với sản phẩm này, nhiều DN trong nước đang không ngừng đổi mới công nghệ, kỹ thuật để cho ra đời nhiều sản phẩm có chất lượng và hàm lượng sáng tạo cao. Đặc biệt, có chiến lược bài bản về phân phối, tiếp thị, quảng cáo và nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm.
Thứ trưởng Bộ Công Thương - Đỗ Thắng Hải - cho biết, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tổ chức tốt công tác thông tin, dự báo thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, đánh giá sát tình hình và đề xuất lên Chính phủ các biện pháp can thiệp kịp thời, giúp ổn định thị trường. Bên cạnh đó, hướng dẫn lồng ghép nội dung cuộc vận động trong các hội nghị, sinh hoạt của các tổ chức, đoàn thể; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện cuộc vận động tại các bộ, ngành và địa phương trên cả nước.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, để thực sự hàng Việt trụ vững trên thị trường năm 2014 và những năm tiếp theo, bên cạnh việc chú trọng tuyên truyền, vận động nâng cao hơn nữa nhận thức của người tiêu dùng, các nhà sản xuất Việt Nam phải nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm so với hàng ngoại nhập cùng loại; liên kết chặt chẽ với nhà phân phối để đưa hàng về các vùng sâu, vùng xa…/.