Nỗ lực đưa hàng hóa Việt đến tay người tiêu dùng Việt Nam đang là chủ trương đúng đắn và xuyên suốt không chỉ của doanh nghiệp mà của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, để làm được điều này thì điều quan trọng là chính các doanh nghiệp phải có sự liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến phân phối sản phẩm.
Thực tế cho thấy, nhiều mô hình liên kết thành công đã mang lại những kết quả tích cực, giúp tăng sức mua và giảm hàng tồn kho của các doanh nghiệp.
Thời gian qua, chỉ số giá tiêu dùng liên tục giảm ở mức âm đã phản ánh phần nào sức mua giảm của người dân. Điều đó, khiến doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng hàng tồn kho quá nhiều, dẫn đến ứ đọng vốn, gây khó khăn cho tái sản xuất. Đối phó với tình trạng này, các doanh nghiệp đã ra sức kích cầu thông qua những hoạt động khuyến mại, giảm giá sản phẩm.
Gian hàng khuyến mại trong chương trình "Tôn vinh vẻ đẹp Việt" |
Tuy nhiên, với hàng trăm chương trình giảm giá, khuyến mại khác nhau của các doanh nghiệp, không phải chương trình khuyến mại nào cũng thành công và hấp dẫn người tiêu dùng. Bởi nhiều người tiêu dùng cho rằng, mặt hàng khuyến mại không đa dạng phong phú, không phù hợp với thói quen tiêu dùng của người dân. Nhiều chương trình khuyến mại doanh nghiệp nhưng không thực chất gây mất lòng tin cho người tiêu dùng. Nhưng bên cạnh đó, vẫn có những doanh nghiệp khá thành công thông qua hoạt động kích cầu và được khách hàng đánh giá cao.
Với những giải pháp mang tầm chiến lược không chỉ mang ý nghĩa kích cầu mà còn khuyến khích khách hàng mua và sử dụng các sản phẩm là hàng Việt, đã mang lại sự phát triển của nhiều doanh nghiệp.
Đơn cử như chương trình “Tiêu dùng Xanh” được hệ thống siêu thị Co.opmart tổ chức định kỳ hàng năm. Với nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá đối với hàng nghìn mặt hàng sản xuất trong nước và áp dụng mức giảm giá lên đến 49% cùng nhiều ưu đãi hấp đã tạo hiệu ứng kích cầu rất hiệu quả.
Cụ thể, qua 4 năm thực hiện, đã có hơn 9.000 đoàn viên, sinh viên tham gia tuyên truyền chiến dịch thông tin sản phẩm xanh của doanh nghiệp đến với cộng đồng. Hơn 1 triệu người dân cam kết ưu tiên tiêu dùng những sản phẩm tiêu dùng xanh. Quan trọng hơn là sức tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp này đã tăng lên gấp 3 lần so bình thường. Một ví dụ khác là chương trình “Tôn vinh vẻ đẹp Việt” của hệ thống siêu thị Big C. Qua 11 lần tổ chức, chương trình đã trở thành điểm hẹn của người tiêu dùng, nơi mọi người có thể thoải mái lựa chọn những sản phẩm hàng hóa Việt, chất lượng cao, chi phí hợp lý.
Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc siêu thị Big C cho biết: Có được thành công này là do có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà cung cấp và phân phối, sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận để mang lại giá tốt nhất cho sản phẩm và người tiêu dùng.
Có một thực tế, để tạo nên sức mạnh kích cầu hiệu quả thì không có nhiều doanh nghiệp Việt Nam thành công.
Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cho rằng: hàng Việt chưa tạo được hiệu ứng mạnh với người tiêu dùng là do mối liên kết giữa các doanh nghiệp Việt trong sản xuất và phân phối còn lỏng lẻo. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp còn bị ảnh hưởng nặng nề của tâm lý kinh doanh chộp giật và không tính đến việc đổi mới mang tính bền vững nên sức cạnh tranh của hàng Việt còn yếu.
Vì vậy, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cho rằng: "Theo tôi, doanh nghiệp Việt Nam phải đổi mới nhiều thứ. Chúng ta không nên tư duy cạnh tranh theo từng doanh nghiệp, trên bình diện tổng thể nghành hàng ta sẽ không tạo được thương hiệu quốc gia mà quan trọng đầu tiên phải là thương hiệu quốc gia, thương hiệu nhóm hàng trước mới đến doanh nghiệp cụ thể, nhóm hàng của ta hiện nay thương hiệu ta không có được vì ta yếu trong khâu liên kết.
Thực tế đã cho thấy, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và phân phối đã mang lại hiệu ứng tích cực cho doanh nghiệp và khẳng định uy tín và chất lượng của hàng Việt đối với người tiêu dùng một cách nhanh chóng và bền vững. Đó là yếu tố quan trọng mà doanh nghiệp Việt cần tính đến trong thời gian tới để tạo sức bật cho hàng Việt một cách có hiệu quả hơn./.