Sáng nay (16/9), tại Hà Nội,Báo Nhân Dân tổ chứctọa đàm “Tìm giải pháp cho ngành mía đường trong tình hình mới” các khó khăn của ngành mía đường và giải pháp cho ngành múa đường trong tình hình mới được các chuyên gia, cơ quan chức năng phân tích.
Ngành mía đường Việt Nam đã nỗ lực vượt qua khó khăn, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo việc làm cho hơn 350.000 hộ nông dân, chủ động được nguồn đường sản xuất trong nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện xóa đói giảm nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Việt Nam là một trong những nhà sản xuất và tiêu thụ đường lớn trên thế giới và trong khối ASEAN. Về sản xuất, năng lực trung bình của Việt Nam sản xuất hàng năm trung bình từ 1-1,3 triệu tấn đường trong khi nhu cầu tiêu dùng trực tiếp sử dụng và sản xuất chế biến khoảng 2 triệu tấn/năm.
Ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: “Với năng suất mía bình quân khoảng 86-87 tấn/ha cũng có thể đem lại thu nhập cho người nông dân. Mía đường cũng có thể tham gia vào nhiều ngành công nghiệp khác nhau như sản xuất ván ép, chế phẩm sinh học, dung môi dược phẩm… có ý nghĩa rất lớntrong pháttriểnkinh tế- xã hội”.
Tuy nhiên, sau khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại và đặc biệt là hiệp định ATIGA (Hiệp định tự do trong khu vực ASEAN), trong đó mặt hàng đường được giảm thuế từ 80% (đường thô) xuống còn 5% trong nội khối ASEAN và đối với đường trắng từ 85% xuống còn 5% từ 1-1-2020.
Với việc chính phủ một số nước trong ASEAN trợ giá mặt hàng đường cho nông dân và doanh nghiệp sản xuất mía đường dẫn đến cuộc chơi không công bằng, cùng với những ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, ngành mía đường của Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn.
Theo Tổ chức mía đường thế giới (ISO), thị trường đường thế giới và tình hình sản lượng vụ 2019-2020 cho thấy mức tiêu thụ đường toàn cầu trong niên vụ không bị thiếu hụt nhiều như các năm do nhu cầu tiêu thụ đường của toàn thế giới đã bị chững lại bởi tác động của dịch Covid-19, trong khi đó sản lượng sản xuất đường của Brazil tăng (nước sản xuất và xuất khẩu đường lớn nhất thế giới).
Dự kiến, trong niên vụ mới (2020-2021), mức thiếu hụt đường chỉ còn khoảng hơn 700 nghìn tấn, thấp hơn rất nhiều so với mức dự báo ban đầu. Đầu năm 2020, các chuyên gia dự báo mức thiếu hụt đường sẽ lớn nhất trong 11 năm qua.
Ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn, cho hay hiện tại sản lượng đường thế giới dư thừa, Hiệp định ATIGA đã có nhiều tác động gây khó khăn cho ngành sản xuất mía đường trong nước.
“Lượng đường thế giới dư thừa, giá đường thấp hơn giá thành, đường sản xuất ra không tiêu thụ được, tồn kho lớn, dòng tiền không được lưu thông, trong khi ngân hàng hạn chế định mức cho vay. Đồng thời nhiều loại đường lỏng tràn vào không kiểm định chất lượng, không đánh thuế nhập vào Việt Nam; cùng với việc hiệp định ATIGA có hiệu lực, đường nhập lậu không được kiểm soát làm cho ngành mía đường trong nước khó khăn lại càng khó khăn hơn” - ông Lê Văn Tam nói.
Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện chiến lược và Phát triển Nông nghiệp nông thôn cho rằng, cần phải rà soát lại các diện tích sản xuất mía đường và chỉ giữ lại các vùng trồng chiến lược và có hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh áp dụng công nghệ cao, cơ giới hóa trong sản xuất… giảm tổn thất từ đó giảm chi phí trồng mía.
“Chúng ta cũng cần chủ động theo dõi tình hình nhập khẩu, giám sát về đường nhập khẩu (chất lượng, xuất xứ) đồng thời nghiên cứu và đề xuất các biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường nhập khẩu phù hợp với các cam kết quốc tế, đặc biệt với đường lỏng (siro ngô nồng độ fructose cao) nhập khẩu vào Việt Nam. Các biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại đồng bộ, quyết liệt đối với mặt hàng đường” - ông Trần Công Thắng kiến nghị./.