Phát biểu tại phiên họp, trước những khó khăn của ngành mía đường, Thủ tướng khẳng định, Nhà nước quyết tâm, có giải pháp ủng hộ ngành mía đường cơ cấu, tổ chức lại sản xuất, nhưng nhà nước không bao cấp cho ngành mía đường mà yêu cầu ngành này phải cạnh tranh sòng phẳng trong bối cảnh hội nhập quốc tế, chấp nhận sự đào thải các doanh nghiệp yếu kém, không đủ sức cạnh tranh.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành mía đường hiện nay đang gặp khó khăn, thậm chí nhiều doanh nghiệp thua lỗ. Niên vụ năm 2018-2019 có 17/38 doanh nghiệp có khả năng mất vốn chủ sở hữu. Giá thu mua mía nguyên liệu giảm từ 100 đến 200 nghìn đồng/tấn, ở mức từ 700 đến 800 nghìn đồng/tấn, ngang với giá thành. Hiện có 7 nhà máy đường đã dừng hoạt động và cũng chỉ có khoảng 4-5 nhà máy hoạt động hiệu quả nhờ sớm có sự chuẩn bị tốt với việc xóa bỏ hạn ngạch thuế quan theo cam kết thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN bắt đầu từ 1/1/2020, tái cơ cấu, đầu tư khoa học công nghệ, sản phẩm có tính cạnh tranh cao.
Thủ tướng khẳng định Nhà nước không bao cấp cho ngành mía đường. |
Cùng với việc rỡ bỏ hạn ngạch thuế quan theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN thì nhiều nước trên thế giới có sự can thiệp, trợ giá cho mặt hàng này khiến giá đường nhập khẩu rất rẻ. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu đường của doanh nghiệp nước ta hầu như không có vì chính sách bảo hộ của nước nhập khẩu.
Tại cuộc họp, một số bộ, ngành cũng đánh giá các doanh nghiệp mía đường trong nước còn thiếu chủ động trong tái cơ cấu, nâng cao sức cạnh tranh khi nước ta tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do. Trong khi đó, dù thị trường trong nước có sức tiêu thụ lớn thì việc tổ chức tiêu thụ đường ở nội địa của các doanh nghiệp chưa hợp lý, sản phẩm phải qua 2-3 khâu trung gian mới đến tay người tiêu dùng.
Kết luận phiên họp sau khi các thành viên dự họp nêu ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, dù tâm huyết, trách nhiệm với 41 nhà máy đường, 400 nghìn hộ nông dân trồng mía, nhưng ngành mía đường chưa quyết liệt tổ chức lại trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Thủ tướng cho biết, năm 2018 đã có buổi làm việc với ngành và đã có nhiều giải pháp được đưa ra, nhưng việc triển khai thực hiện chưa hiệu quả.
Về thách thức đối với ngành mía đường hiện nay, Thủ tướng nêu rõ, nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng, không chỉ tham gia Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN mà 12 Hiệp định Thương mại tự do khác. Do đó, vấn đề đặt ra chính là nhận thức rõ các thách thức này để sản xuất phải gắn với thị trường. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu gây khô hạn ở các vùng nguyên liệu. Tình trạng gian lận thương mại, thể chế chưa hợp lý đối với nhập khẩu đường thô, đường lỏng chưa phù hợp. Tái cơ cấu, ứng dụng khoa học công nghệ gắn với tổ chức sản xuất của ngành mía đường chưa thành công.
Toàn cảnh phiên họp. |
Đặt vấn đề chúng ta đang xây dựng một nền kinh tế tự cường, thị trường đường trong nước lớn nên không thể phụ thuộc vào nước ngoài, Thủ tướng nêu rõ, chủ trương của Chính phủ là sắp xếp, tổ chức lại ngành mía đường trong nước.
Thủ tướng cho rằng: "Chính phủ quan tâm chỉ đạo, nhưng chúng ta làm chưa thành công. Chính phủ không nói bãi bỏ ngành mía đường đi, để nhập khẩu. Nhận thức đó là chưa đúng. Nhưng quy mô nào, loại đường gì, các chính sách khác là rất quan trọng. Tuy chưa đạt năng suất cao nhất nhưng chúng ta vẫn có những vùng, khu vực có thể tổ chức lại sản xuất của ngành mía đường.
Chúng ta không thể sản xuất số lượng lớn, ào ạt, nhưng cơ hội phát triển mía đường vẫn luôn rộng mở nếu biết sắp xếp lại hiệu quả hơn. Đặc biệt năm nay, có ngành mía đường thế giới đi xuống, nhu cầu có thể tăng lên, giá đường và nhu cầu nhập khẩu tăng lên. Đây chính là cơ hội để ngành mía đường Việt Nam sắp xếp, tái cơ cấu sản xuất. Đặc biệt là cơ hội phát triển ngành đường vẫn còn nằm ở sản phẩm sau đường như sản xuất điện, ván ép, ethanol, phân bón từ bã mía, rỉ mật để tăng thêm giá trị gia tăng".
Nêu rõ, Chính phủ không đồng ý để gia hạn Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, Thủ tướng nhấn mạnh một tinh thần đối với ngành mía đường Việt Nam là sẵn sàng cạnh tranh và cạnh tranh thắng lợi. Cho biết sau cuộc họp này, Chính phủ sẽ có Chỉ thị của Thủ tướng với các giải pháp đối với ngành mía đường, nhưng Thủ tướng cũng yêu cầu bản thân các doanh nghiệp mía đường cũng phải sắp xếp, tái cơ cấu, chấp nhận việc đào thải các doanh nghiệp yếu kém:
Thủ tướng chỉ đạo: "Nhà nước quyết tâm, có giải pháp ủng hộ, nhưng Nhà nước không bao cấp cho ngành mía đường mà yêu cầu ngành mía đường phải cạnh tranh sòng phẳng trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Ví dụ như chống buôn lâu, gian lận thương mại, nhập đường lỏng, đường hóa học phải có chế tài hoặc tiêu chí cụ thể. Có thể nghiên cứu mô hình nhập đường vàng thay đường trắng như Malaysia.
Australia là nước không có bao cấp về đường, ngành mía đường của họ hoạt động hoàn toàn theo quy luật thị trường, nhưng lại là nơi xuất khẩu đường lớn nhất thế giới. Tôi không nói phải áp dụng mô hình nào nhưng cần nghiên cứu các mô hình để áp dụng vào Việt Nam cho phù hợp. Đó chính là thông tin cần thiết mà Hiệp hội mía đường cần cung cấp cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và người nông dân. Liệu có cần thiết 41 nhà máy không, tôi nghĩ có thể không cần đến 41 nhà máy mà các đồng chí có thể đề xuất tổ chức lại. Nhà máy đó phải gắn với vùng nguyên liệu, gắn với sản phẩm đường và sau đường".
Thủ tướng cũng cho rằng, đối với những vùng trồng mía hiện nay không hiệu quả mà có thể sản xuất các loại cây trồng khác cho năng suất, chất lượng và thu nhập tốt hơn thì có thể chuyển đổi cây trồng.
Tại cuộc họp, Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của Hiệp hội mía đường Việt Nam việc giao các cơ quan chức năng có các biện pháp về phòng vệ thương mại không trái quy định quốc tế, chống bán phá giá đối với đường lỏng và một số mặt hàng khác, tăng cường chống buôn lậu đường, chống gian lận thương mại; phê duyệt giá điện từ mía một cách phù hợp.
Thủ tướng cũng đồng ý giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường đầu tư hàng năm, có nguồn kinh phí nghiên cứu giống mía mới, cơ giới hóa, thủy lợi hóa các vùng mía tập trung. Ngân hàng Nhà nước xem xét tổng thể những vùng hạn hán, thiên tai, khó khăn để khoanh, giãn nợ cho nông dân, xem xét cho vay ưu đãi và chế biến đường đối với những nhà máy, khu vực có hiệu quả./.