Sáng nay (16/8) tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Bộ Công thương tổ chức “Hội nghị sơ kết một năm thực hiện Chỉ thị 23/CP-Ttg”.

Tới dự và chỉ đạo Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cùng lãnh đạo các địa phương có đường biên giới phía Bắc, thành phố Cảng Hải Phòng và các Bộ, Ban, ngành liên quan.

Tại Hội nghị, các ý kiến của Bộ Công thương, Bộ Tài chính, lãnh đạo các địa phương và một số doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập tái xuất đều nhất trí rằng kể từ khi Chỉ thị 23 được ban hành, việc tăng cường các biện pháp quản lý Nhà nước, đặc biệt các biện pháp kiểm tra, giám sát đối với hàng tạm nhập tái xuất đã làm giảm bớt những bất cập, hạn chế đưa hoạt động này vào nề nếp, đã giúp công tác phối hợp giữa Bộ, ngành địa phương hiệu quả hơn, ngăn chặn được việc vận chuyển trái phép hàng hóa vi phạm Công ước quốc tế qua lãnh thổ Việt Nam.

Điều quan trọng nữa là Chỉ thị 23 đã tạo điều kiện sắp xếp lại đội ngũ doanh nghiệp, lựa chọn doanh nghiệp có năng lực về tài chính, kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, loại bỏ doanh nghiệp yếu kém.

Ông Đỗ Quang Sáng, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Quảng Ninh cho rằng: “Thời gian vừa qua những doanh nghiệp trốn thuế đều là những doanh nghiệp nhỏ, không có điều kiện và cũng không đầu tư về cơ sở vật chất, thành lập vội vàng để kinh doanh tạm nhập tái xuất vì loại hình kinh doanh này đang “hot”, họ không quan tâm đến thương hiệu, làm ăn tính chất thời vụ và có thể giải thể bất cứ lúc nào. Theo tôi đến thời điểm này chỉ nên chọn 40-50 doanh nghiệp là vừa, bởi nếu nhiều lên chắc chắn sẽ xảy ra gian lận, rối loạn. Vì vậy, tôi đánh giá rất cao Chỉ thị 23 ra đời đã “dẹp loạn” việc này, đây chính là quản lý Nhà nước có định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Trước tình hình còn tồn hàng ở các cảng nhập hiện nay, gây sự lãng phí rất lớn, nhiều lãnh đạo địa phương cũng đã chỉ ra nguyên nhân là do tính bất cập của Thông tư 05 Bộ Công thương quy định các mặt hàng thuộc diện tạm ngừng tạm nhập tái xuất, vì vậy trong các kiến nghị trình Chính phủ, lãnh đạo các địa phương cũng đề đạt việc nên mở rộng các mặt hàng kinh doanh lĩnh vực này, và kiểm soát chặt khi tạm nhập, nhưng phải tạo điều kiện thuận lợi khi tái xuất.

Ông Nguyễn Đình Bảy, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hà Giang nói: “Hàng hóa kinh doanh cần quản lý chặt chẽ khi nhập nhưng khi xuất cần phải nhanh chóng. Bởi chúng ta đã cho nhập, nên phải tăng cường kiểm tra lúc nhập, còn tái xuất thì tối đa, chỉ trừ những mặt hàng cấm đã ghi trong Công ước”.

Việc ký quỹ cho các mã hàng tạm nhập tái xuất cũng được nhiều địa phương và doanh nghiệp quan tâm, bởi đây là số tiền không nhỏ mà các doanh nghiệp phải bỏ ra. Con số 5 tỷ đồng cho một mã hàng thực sự là nỗi lo cho nhiều doanh nghiệp, nhất là Thông tư của Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp phải nộp vào Kho bạc, không được bảo lãnh qua Ngân hàng. Điều này rất thiệt cho doanh nghiệp và cũng là nút thắt cần được tháo gỡ khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Đọc, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đề xuất: “Tỉnh Quảng Ninh bảo lãnh cho vấn đề này. Chúng tôi đề nghị tỉnh được ký kết với một ngân hàng, toàn bộ số tiền gửi sẽ được thông qua ngân hàng. Vì gửi ngân hàng thì mới có lãi cho doanh nghiệp. Việc ký quỹ cao sẽ đảm bảo năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nên có thể thu cao hơn, bởi nếu thu thấp thì không được bao nhiêu”.

Trong việc thay đổi các mặt hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất sao cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, các địa phương đều nêu đề xuất là nên mở rộng các chủng loại, bỏ bớt những mặt hàng đang bị tạm ngưng kinh doanh theo như Thông tư 05, và việc chống thẩm lậu, buôn lậu các mặt hàng này sẽ được chính quyền địa phương cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Chính phủ.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng đề nghị: “quy định theo như trước khi có Chỉ thị 23. Chúng tô khẳng định sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ về các hoạt động này, để làm thế nào phù hợp với các Công ước, Hiệp ước quốc tế nhưng đồng thời vẫn đảm bảo được sự phát triển của nền kinh tế địa phương”.

Yêu cầu phải nộp thuế nhập khẩu các mặt hàng tạm nhập tái xuất theo Luật sửa đổi Luật quản lý thuế cũng gây nhiều trở ngại, khó khăn cho doanh nghiệp, vì vậy ông Nguyễn Văn Bình, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nêu đề xuất: “Đối với các doanh nghiệp phải nộp thuế ngay khi kinh doanh tạm nhập tái xuất sẽ là số tiền lớn mà doanh nghiệp ngay lập tức không thể thực hiện. Vì vậy nên chăng quy định với một số mặt hàng có thuế xuất cao thì thực hiện việc này, còn lại các doanh nghiệp khác nếu vi phạm, sẽ dùng tiền ký quỹ để nộp thuế và tịch thu luôn giấy phép”.

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã khẳng định Chỉ thị 23 ra đời đã góp phần kiểm soát tốt việc kinh doanh mặt hàng tạm nhập tái xuất, tuy nhiên một số quy định đã không phù hợp với thực tế nên gây khó khăn cho doanh nghiệp và địa phương.

Phó Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công thương rà soát, tổng hợp các ý kiến để trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất để đưa ra hướng giải quyết.

Trước mắt, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Tổng cục Hải quan đưa ra sớm các biện pháp tăng cường quản lý vận chuyển hàng hóa, quản lý công ten nơ từ điểm xuất đến điểm thông quan; yêu cầu Bộ Công thương xem xét quy định về mặt hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất; yêu cầu các địa phương thảo luận và thống nhất rõ chức năng khi thực hiện phân quyền trong hoạt động này.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải nói: “Vì tạm nhập tái xuất là một hoạt động thương mại thông thường và phổ biến vì thế những mặt hàng mà chúng ta cấm, hoặc quy định không cho phép thì không cho, còn lại thì đúng quy định Pháp luật mà thực hiện. Tuy nhiên mỗi mặt hàng cần phải xây dựng những quy định giải pháp cụ thể riêng để kiểm soát. Vấn đề cửa khẩu, kinh tế cửa khẩu… chúng ta đã có những văn bản pháp luật quy định rõ nên cứ tuân theo quy định. Chúng ta cũng cần xem xét, rà soát những quy định, văn bản giấy tờ… xem có cần thiết không? Nếu không cần thiết thì nên xem xét bỏ để thực hiện hoạt động này cho tốt”.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công thương trong khoảng thời gian sớm nhất là 14 ngày phải tập hợp những ý kiến, kiến nghị và đưa ra được giải pháp để trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới./.