Hoạt động tạm nhập tái xuất là mô hình kinh doanh diễn ra khá sôi động, là cơ hội lớn để các doanh nghiệp Việt Nam làm trung gian nhập khẩu, và xuất khẩu các mặt hàng theo thông lệ quốc tế đem lại hiệu quả kinh tế trong những năm vừa qua.

Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam khi đã đầu tư hàng triệu USD cho các thiết bị xe siêu trường, kho cảng ngoại quan, tàu hàng cho hoạt động này... tháng 2/2013, Bộ Công Thương có thông tư 05 siết chặt hoạt động kinh danh tạm nhập tái xuất; tiếp đến là Thông tư 59 của Bộ Tài chính ngày 1/7/2013 hướng dẫn thủ tục hải quan đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho hải quan... đã khiến hoạt động thương mại tại các cửa khẩu vùng biên đang ở trong tình trạng ảm đạm.

images644641_file1176.jpg
Xe vận tải của doanh nghiệp thiếu việc làm. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Trong khoảng chục năm trở lại đây, chưa bao giờ khu vực cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) lại đìu hiu như hiện nay. Trên con đường độc đạo 18 chạy từ thành phố Hạ Long đi ra các cửa khẩu Hoành Mô, Bắc Phong Sinh, Móng Cái, thi thoảng lắm mới có xe container chạy qua.

Nếu như trước đây vài năm, lượng thuyền, đò, sà lan trên sông Ka Long có thể lên tới hàng vạn chiếc, tấp nập hàng lên, hàng xuống từ mờ sáng đến đêm, thì nay chỉ gần 1/3 trong số này còn hoạt động cầm chừng, số còn lại nằm kín đặc ở các bến Lục Lầm, bến Hòa Bình phơi mình trong mưa gió.

Cùng chung “số phận hẩm hiu” đó là lượng lớn xe container nằm “nghỉ ngơi” ở các kho bãi. Địa bàn thành phố Móng Cái, Quảng Ninh hiện có gần 1.000 đầu xe container, nay chỉ có 30% số xe này đang hoạt động. Trước thời điểm Thông tư 05 được ban hành, mỗi ngày tại các cửa khẩu biên giới Trung Quốc có trung bình 150-200 container được lưu thông để tái xuất, đến nay trung bình mỗi ngày tái xuất được khoảng 60 - 70 container.

Ông Trần Tiến Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa thành phố Hải Phòng cũng cho biết, trước đây 7.000 xe đầu kéo trên địa bàn có những thời điểm làm không hết việc, thì nay có đến gần 4.000 xe đầu kéo nằm im vì không có việc, số còn lại chạy trên đường cũng là hoạt động cầm chừng,

Thời gian qua, TP Móng Cái cũng đã đưa 8 cảng nhỏ ra mặt sông Ka Long để thuận tiện cho việc xuất hàng, và ở Hải Phòng hiện nay cũng có 9 cảng lớn để tạm nhập. Việc đầu tư kết cấu hạ tầng cho kho, bãi, bến cảng, cầu, trục kéo, kho ngoại quan ước tính hàng chục ngàn tỷ đồng đã được các doanh nghiệp đầu tư. Nhưng hiện nay các kho, bãi này không có hàng lưu thông, hàng tồn đọng ùn ứ.

Ông Tạ Mạnh Cường, Giám đốc công ty cảng Hải An - Hải Phòng còn chia sẻ, việc tồn đọng lâu gây ảnh hưởng kinh doanh cảng, nó chiếm chỗ gây lãng phí, tổn thất cho doanh nghiệp không thể tính được. Nếu như trước những mặt hàng cao su, phế liệu lưu thông rất nhanh, thì đến giờ các cảng đều lưu lại, tồn lại số lượng lớn hàng tạm nhập tái xuất tương đối lâu và chiếm nhiều chỗ trong Cảng.

Ngay từ đầu năm 2013, Chính phủ đã liên tục yêu cầu các Bộ, Ban, ngành và Chính quyền các địa phương tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thế nhưng với các doanh nghiệp kinh doanh hàng tạm nhập tái xuất Thông tư 59 của Bộ Tài chính và Luật 21 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật quản lý Thuế lại dường như làm khó doanh nghiệp.

Theo quy định tại Thông tư 59, các doanh nghiệp phải tăng thêm 100% vốn ký quỹ. Nếu trước đây muốn nhập xuất 1 container hàng, doanh nghiệp phải đặt cọc 5 tỷ đồng, thì nay phải tăng 10 tỷ đồng, tiền doanh nghiệp gửi vào Hải quan nhưng lại không được tính lãi theo ngân hàng.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, giám đốc công ty Xuất nhập khẩu Quảng Ninh bày tỏ, nhiều doanh nghiệp ở Móng Cái đều phải đặt sổ đỏ đất, vay ngân hàng để nộp thuế bảo lãnh thuế đã khiến doanh nghiệp lâm vào tình trạng thiếu vốn kinh doanh.

Theo khảo sát, hiện nay đã có 300 trong 400 công ty kinh doanh tạm nhập tái xuất ở Móng Cái đóng cửa, gần 2/3 trong số còn lại đang kinh doanh cầm chừng chờ đến ngày phá sản. Gần 4.000 đầu xe kéo ở Hải Phòng đang nằm vạ vật vì không có việc, nhiều chiếc đang được rao bán để trả nợ. Các kho ngoại quan với doanh thu gần 800 triệu USD từ đầu năm đến nay cũng đang đứng trước nguy cơ dừng hoạt động.

Và điều đáng nói nhất là hơn 20.000 lao động thuộc các công ty kinh doanh tạm nhập tái xuất bị tinh giảm do không có việc sẽ không đảm bảo nhu cầu cuộc sống. Điều này có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội trong khu vực… cùng nhiều bất cập khác sẽ được đề cập ở những bài viết sau./.