Chỉ tính riêng 6 tháng của năm 2012, có 11 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tạm nhập 1.725.000 tấn xăng dầu, nhưng tái xuất 1.180.000 tấn, như vậy khoảng 545.000 tấn xăng dầu không tái xuất mà có khả năng tiêu thụ nội địa. Đây là số liệu của Tổng cục Hải quan công bố chiều 5/9.
Trong số liệu Tổng cục Hải quan công bố về số lượng xăng dầu tạm nhập tái xuất của 11 doanh nghiệp đầu mối, nhiều doanh nghiệp có sự chênh lệch khá lớn giữa lượng tạm nhập và tái xuất. Điển hình như Công ty TNHH Một thành viên xăng dầu hàng không, tạm nhập 24.500 tấn xăng, nhưng lượng tái xuất chỉ là 13.600 tấn, tạm nhập 307.000 tấn xăng máy bay nhưng chỉ tái xuất 245.000 tấn; Tập đoàn xăng dầu Việt Nam tạm nhập 170.000 tấn xăng nhưng chỉ tái xuất 105.000 tấn…
Theo ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, thời gian qua, hành vi buôn lậu, tạm nhập vào nhưng không tái xuất xăng dầu diễn biến phức tạp. Điển hình là mới đây, cơ quan chức năng bắt giữ tàu Giang Châu (quốc tịch Campuchia) khi đang bơm xăng dầu sang ba tàu thuộc Công ty TNHH Hoàng Sơn, trụ sở tại Thanh Hóa). 
Các đối tượng đã lợi dụng hình thức tạm nhập tái xuất, mua xăng dầu từ Việt Nam nhưng không vận chuyển về Trung Quốc mà bán cho các đối tượng buôn lậu xăng dầu ở Việt Nam để hưởng chênh lệch. Thời điểm bị bắt giữ, tàu Giang Châu chứa 2.000 tấn xăng trị giá 40 tỉ đồng. Trước thực trạng này, Tổng cục Hải quan đã đề xuất cấm tạm nhập tái xuất xăng dầu qua đường biển nhằm chống hiện tượng doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở chính sách tạm nhập tái xuất để trục lợi.  
Ông Nguyễn Văn Cẩn cho biết: “Trong kiến nghị với Thủ tướng, chúng tôi kiến nghị, nếu cho tạm nhập tái xuất phải còn nguyên tàu, nguyên chủng loại, kẹp chì mới cho đi. Hai là thời hạn nộp thuế, có những doanh nghiệp nhẽ ra 30 ngày phải nộp thuế thì lại được tới 195 ngày, nên có thể lại bán đi để nộp thuế, như vậy có khả năng chiếm dụng thuế của nhà nước. Trong Bộ Công thương có vấn đề là Bộ chỉ khống chế tối thiểu cho 13 đầu mối hằng năm hạn mức nhập khẩu tối thiểu phải đảm bảo, chưa nói gì đến số tạm nhập tiêu thụ nội địa”. 
Hiện, Bộ Tài chính đang chỉ đạo tiến hành thanh tra, kiểm tra đồng loạt 33 tỉnh thành phố, rà soát lại toàn bộ các lô hàng tạm nhập tái xuất trong đó có xăng dầu từ 2009 đến tháng năm 2012 để kiểm tra xem doanh nghiệp nào kê khai đúng và công chức hải quan nào làm không đúng quy trình, sau đó sẽ có tổng kiểm tra giám sát, dự kiến 15/12 mới hoàn thành công việc này./.