Hạ tầng số (cơ sở dữ liệu) được ví như nền móng của một công trình, phải chắc chắn và làm đúng thì mới xây dựng được hay nói cách khác muốn xây dựng được kinh tế số, chính phủ số thì bắt buộc phải có hạ tầng số tốt.
Tuy nhiên, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu còn nhiều hạn chế do nhiều nguyên nhân trong đó có việc thiếu các quy định pháp lý về tổ chức cơ sở dữ liệu hay chia sẻ, khai thác dữ liệu.
Dữ liệu đóng vai trò quan trọng trong chính phủ điện tử cũng như nền kinh tế số và là tài nguyên cần tận dụng khai thác, chia sẻ. |
Dự thảo Nghị định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số đang được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) lấy ý kiến góp ý của người dân và doanh nghiệp.
Nghị định nhằm hoàn thiện và cụ thể hóa cơ sở pháp lý đã được quy định tại Luật Công nghệ thông tin (CNTT), tạo thuận lợi cho việc tổ chức, quản lý, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan, tổ chức, quản lý, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình hoạt động góp phần thực hiện các mục tiêu của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; Ứng dụng CNTT trong giải quyết thủ tục hành chính, cung ứng dịch vụ công trực tuyến và Chính phủ điện tử.
Dự thảo Nghị định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số nêu rõ, dữ liệu số hình thành trong hoạt động của cơ quan nhà nước được chia sẻ phục vụ các hoạt động của các cơ quan nhà nước hướng tới phục vụ người dân, doanh nghiệp tuân thủ quy định của pháp luật.
Cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm chia sẻ dữ liệu số với cơ quan nhà nước khác và không được thu thập lại dữ liệu số đã trùng với dữ liệu số cơ quan nhà nước khác có thể cung cấp phù hợp với quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.
Theo dự thảo, việc chia sẻ dữ liệu số giữa các cơ quan nhà nước không làm ảnh hưởng tới quyền lợi và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật liên quan tới dữ liệu số được chia sẻ. Dữ liệu số chia sẻ phải đảm bảo tính cập nhật và chính xác.
Dự thảo cũng chia ra 4 loại hình chia sẻ dữ liệu gồm: Chia sẻ dữ liệu số mặc định; Chia sẻ dữ liệu số theo thỏa thuận; Chia sẻ dữ liệu số cho tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin; Chia sẻ dữ liệu mở.
Dư thảo quy định rõ: Tổ chức, quản lý dữ liệu số trong cơ quan nhà nước phải đảm bảo thuận lợi cho việc chia sẻ và khai thác dữ liệu số. Tuân thủ các quy định về bảo mật thông tin, các quy định về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến dữ liệu số, quyền riêng tư của tổ chức, cá nhân. Tuân thủ Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, kiến trúc chính phủ điện tử cấp bộ, kiến trúc chính quyền điện tử của địa phương.
Theo dự thảo các hành vi bị nghiêm cấm gồm: Cản trở hoạt động kết nối, quyền khai thác và sử dụng dữ liệu số hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật; mua bán, chia sẻ dữ liệu số vi phạm quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan; vi phạm các quy định về quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền tác giả khi kết nối, chia sẻ dữ liệu số; làm sai lệch dữ liệu số trong quá trình lưu chuyển dữ liệu số từ bên cung cấp dữ liệu tới bên khai thác dữ liệu…
Tại hội thảo Chính phủ số: Giải pháp kết nối liên thông các hệ thống thông tin qua hệ thống nền tảng, tích hợp chia sẻ dữ liệu từ Trung ương đến địa phương diễn ra mới đây, Bộ TT&TT khẳng định, xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, phát triển kinh tế số là xu thế và cũng là mục tiêu mà Việt Nam đang nỗ lực thực hiện.
Một trong những nhân tố quan trọng nhất của nền kinh tế số là dữ liệu số - vàng đen trong thời đại số - mà tất cả các công nghệ lõi của nền kinh tế số như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, máy học... đều phụ thuộc vào.
Theo giới chuyên gia, để tận dụng tốt cơ hội từ cuộc cách mạng số, Việt Nam cần sớm có cơ sở pháp lý cho việc chia sẻ, hệ thống dữ liệu hay dữ liệu cần được kết nối, liên thông, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp cho người dân, doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, điều hành nội bộ Chính phủ.
Nghị định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số được đánh giá là sẽ xóa bỏ được tình trạng cát cứ thông tin, dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương, giúp minh bạch hóa và tạo được hệ sinh thái cho kinh tế số phát triển./.Phát triển nhân lực ngành dữ liệu để tạo những “con cá” nhanh
Dữ liệu lớn là lời giải cho những vấn đề phát triển