Xây dựng, phát triển và khai thác dữ liệu lớn (Big Data) đang là định hướng của các quốc gia phát triển trên thế giới. Mới đây, Trung Quốc tuyên bố thiết lập hệ thống xếp hạng công dân dựa trên việc giám sát hành vi của người dân và xếp hạng theo điểm "tín nhiệm xã hội" vào năm 2020. Hệ thống này được xây dựng nhờ toàn bộ dữ liệu cá nhân người dân trong mọi mặt của cuộc sống.

du_lieu_lon_qsfg.jpg
Xây dựng, phát triển và khai thác dữ liệu lớn (Big Data) đang là định hướng của các quốc gia phát triển trên thế giới. (Ảnh: KT).

Dự án này vẫn còn gây nhiều ý kiến trái chiều giữa người dân và các chuyên gia, tuy nhiên, không thể phủ nhận được việc dữ liệu sẽ quyết định của sống của con người trong trường hợp này. Hay có thể nói quản lý dữ liệu là trọng yếu trong việc nắm bắt và kiến tạo giá trị.

Quản trị dữ liệu để thành nền kinh tế sáng tạo

Theo nhận định của giới chuyên gia, là một trong những “nền kinh tế năng động nhất trong khu vực Đông Á”, Việt Nam càng phải chú trọng đến quản trị dữ liệu để trở thành nền kinh tế sáng tạo. Đồng thời, thu nhận tinh thần phát triển thông minh, bền vững và dẻo dai (nhanh chóng phục hồi).

Báo cáo Việt Nam 2035 do Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư phối hợp với Ngân hàng Thế Giới (World Bank) xuất bản đã nêu rõ, mục tiêu phát triển của Việt Nam sẽ dựa trên 3 nền tảng “cân bằng phồn thịnh kinh tế với bền vững của môi trường, khuyến khích công bằng hội nhập xã hội và tăng cường khả năng cũng như tính trách nhiệm của nhà nước”.

Trong cả 3 nền tảng, sự sáng tạo và dữ liệu có vị trí quan trọng trong việc dẫn dắt chiến lược phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo tính công bằng, nâng cao kiểm soát cũng như tăng cường tính trách nhiệm và sự minh bạch.

Đặc biệt, bản báo cáo đã chỉ ra sự thiếu sót thông tin trong quản lý tài nguyên thiên nhiên, gây cản trở việc đánh giá và bảo vệ môi trường. Do đó, quản lý dữ liệu là một giải pháp đảm bảo cho phát triển đúng hướng, và dữ liệu không những được công khai cho quần chúng truy cập mà cần “xác thực, hài hoà xuyên suốt tất cả ngành và cấp độ trong chính phủ”.

Ông Pierre Bonnet, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Orchestra Networks Việt Nam.

Ông Pierre Bonnet, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Orchestra Networks Việt Nam nhận định, dữ liệu là lời giải cho những vấn đề phát triển ở những nền kinh tế phát triển cũng như đang phát triển.

Trong dự án phác hoạ hệ sinh thái sáng tạo, một khuôn mẫu được thiết lập để phân tích hệ sinh thái sáng tạo đô thị bằng Dữ liệu mở từ thành phố New York. Dữ liệu mở từ nhiều nguồn vẽ lên một bức tranh sống động về những doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ của thành phố: người sáng lập, mối quan hệ xã hội, vị trí, lịch sử kêu gọi vốn,… Kết quả cho thấy chính sách hỗ trợ phát triển hệ sinh thái này cần chú trọng vào xây dựng hệ sinh thái ngay trong các thành phố lớn hơn là xây dựng các khu công nghệ cao, cách xa trung tâm thành phố.

Một ví dụ khác về tác động của dữ liệu mở lên phát triển là nghiên cứu về điện ở Myanmar, sử dụng hình ảnh vệ tinh ban đêm thay cho dữ liệu khảo sát. Myanmar có tỷ lệ điện khí hoá gần như thấp nhất trong khu vực, với chỉ 40% dân số kết nối điện năm 2014.

Với năng lượng là cốt lõi cho đổi mới, phát triển con người và kinh tế, quốc gia này đã bắt đầu Kế hoạch Điện khí hoá quốc gia. Dự án này đòi hỏi phân tích cụ thể về vị trí và thời điểm của nguồn cung cầu điện.

Nghiên cứu này sẽ mang lại ánh sáng cho hơn 7 triệu người vào năm 2030 bằng chính việc sử dụng Dữ liệu mở. Nghiên cứu hiện vẫn đang được thực hiện cùng với AMPERES, dùng thiết bị cảm ứng về đêm của Visible Infrared Imaging Radiometer Suite để thiết lập độ tin cậy của nguồn cung cấp điện trên và ngoài lưới.

Qua đây, dữ liệu mở đóng góp vai trò rất quan trọng cho việc nghiên cứu và phát triển, chứng minh sự cần thiết của đổi mới với việc chủ động trong chiến lược quản lý dữ liệu và dữ liệu mở, vì một tương lai phát triển bền vững.

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và doanh nghiệp KH&CN.

PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài, Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo Việt Nam cho rằng Việt Nam cần có một chiến lược phát triển dữ liệu phục vụ cho ứng dụng các công nghệ mới nhất là blockchain và AI.

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, đơn vị này đang tiến hành tổng hợp các đề xuất từ các doanh nghiệp khởi nghiệp, địa phương để chuyển cho các bộ, ngành liên quan. Từ đó đề xuất các cơ chế đặc thù lên Thủ tướng.

Theo ông Quất các chính sách này có thể được ban hành từ 2019, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc tiếp cận và sử dụng dữ liệu chuyên ngành như dữ liệu về dân cư, dữ liệu đất đai, thổ nhưỡng có độ mở nhất định để các startup tiếp cận, phục vụ nghiên cứu phát triển./.