Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4 diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu tạo ra nhiều chuyển biến mới trên mọi mặt của đời sống, xã hội. Hiện không còn là thời kỳ của “cá lớn nuốt cá bé” nữa, bởi nhanh hơn, tốc độ hơn mới là những yếu tố tạo ra lợi thế lớn trong cạnh tranh hay nói cách khác “cá nhanh sẽ nuốt cá chậm”.

khoa_hoc_du_lieu_jvkv.jpg
Khoa học dữ liệu là nền tảng tạo ra tốc độ giúp doanh nghiệp trở thành "cá nhanh". Ảnh minh họa: KT.

Những trụ cột công nghệ chính để tạo nên tốc độ phát triển của một doanh nghiệp nói riêng hay một nền kinh tế nói chung có thể điểm ra như tự động hóa (robotic), trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT)… Tất cả trụ cột này muốn vận hành tốt đòi hỏi việc xử lý dữ liệu tốt.

Với hơn 60% người dân sử dụng internet, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 16 trên thế giới về số lượng người sử dụng internet cùng với đó là lượng dữ liệu cực lớn. Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan tại Việt Nam chưa nắm được cách quản trị được dữ liệu đó.

Minh chứng là trong khi thế giới đang tập trung đào tạo nhân lực chuyên sâu cho ngành khoa học dữ liệu, phân tích dữ liệu… thì tại Việt Nam số lượng cơ sở đào tạo những chuyên ngành công nghệ mới như blockchain, trí tuệ nhân tạo hay khoa học dữ liệu đếm chưa hết trên đầu ngón tay.

Tiến sĩ Ngô Tự Lập, Viện trưởng Quốc tế Pháp ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội

Tiến sĩ Ngô Tự Lập, Viện trưởng Quốc tế Pháp ngữ (IFI), Đại học Quốc gia Hà Nội , một trong những đơn vị hiếm hoi có đào tạo khoa học dữ liệu chia sẻ, mỗi năm đơn vị đào tạo khoảng 200 sinh viên chuyên ngành về khoa học dữ liệu, trong đó có tới hơn 90% là sinh viên quốc tế.

Lý giải nguyên nhân vì sao sinh viên người Việt chiếm số lượng ít ỏi như vậy trong ngành nhân lực đang rất “hot” này, Tiến sĩ Ngô Tự Lập cho biết, để cập nhật những kiến thức mới nhất theo sự phát triển của công nghệ, toàn bộ giáo trình ngành học đều là tiếng Anh và tiếng Pháp. Trong khi ngoại ngữ đang là điểm yếu của hầu hết sinh viên ngành công nghệ thông tin (CNTT) hiện nay.

Đồng quan điểm ông Alan Ho, Giám Đốc Marketing Tibco Software khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Nhật Bản cho rằng trình độ chuyên môn của nhân lực CNTT Việt Nam được đánh giá là khá tốt và ngang bằng với các quốc gia trong khu vực, tuy nhiên rào cản ngôn ngữ đang khiến nhiều sinh viên “lãng phí” cơ hội tìm việc với mức lương cao, đãi ngộ tốt.

“Là một tập đoàn đa quốc gia chuyên về mảng phân tích dữ liệu, khi có mặt tại Việt Nam, chúng tôi cũng đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự được đào tạo chuyên sâu tại đây”, ông Alan Ho cho hay.

Trong bối cảnh chuyển đổi kỹ thuật số và thúc đẩy nền kinh tế số đang chiếm vị trí trọng điểm, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực Phân tích và khoa học dữ liệu đang được ghi nhận trên khắp Đông Nam Á.

Ông Alan Ho, Giám Đốc Marketing Tibco Software khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Nhật Bản

Để chủ động về nguồn nhân lực khoa học dữ liệu, Tibco Software đã hợp tác với các trường đại học trọng điểm trên khắp Đông Nam Á, các trường đại học ở Singapore và Đài Loan. Mới đây, Tibco Software đã hợp tác với Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI) phát triển tài năng ngành dữ liệu.

Sự hợp tác này nhằm hỗ trợ các sinh viên ngành công nghệ thông tin của IFI thông qua việc đào tạo dựa trên thực hành để sinh viên hiểu về phân tích dữ liệu. Cũng như cung cấp nền tảng giúp sinh viên được trang bị những kỹ năng cần thiết để trong cuộc đua chuyển đổi số.

“Tibco cũng mong muốn trong thời gian tới sẽ được hợp tác cùng với các trường chuyên ngành kỹ thuật, công nghệ khác của Việt Nam để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học dữ liệu không chỉ cho Việt Nam mà còn cả các nước trong khu vực, với chi phí hợp lý hơn so với việc sinh viên Việt Nam phải đi ra nước ngoài để được đào tạo những chuyên ngành mới này”, ông Alan Ho cho biết thêm.

Theo nghiên cứu của Microsoft cho thấy, chuyển đổi số góp phần tích cực giúp doanh nghiệp gia tăng năng suất lao động. Điển hình như năm 2017, tác động của chuyển đổi số tới tăng trưởng năng suất lao động ở vào khoảng 15%, và dự kiến đến năm 2020, con số này là 21%.

Hiện điện toán đám mây, trí thông minh nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu đang trở thành bộ kỹ năng số được công nhận rộng rãi và cần thiết trong mọi ngành nghề, công việc./.