Hội nghị bộ trưởng các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Singapore vừa kết thúc cuối buổi chiều 10/12 mà không đạt được một sự nhất trí cuối cùng nào. Tuy nhiên, tuyên bố chung sau hội nghị cho biết, các bên khẳng định đang "tiến rất gần" đến một thỏa thuận mang tính cột mốc về thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương.

Sau 4 ngày họp, các nước vẫn bất đồng về cách tiếp cận thị trường của nhau, đặc biệt là cho các sản phẩm nông nghiệp, vấn đề bảo vệ môi trường và sở hữu trí tuệ. Mặc dù vậy, tuyên bố chung cho biết, quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương đã có những bước tiến triển vững chắc nhằm hướng tới một thỏa thuận cuối cùng. Các nước đã xác định tiềm năng giải quyết cho những khác biệt còn tồn đọng và sẽ tiếp tục họp mặt vào tháng sau để thúc đẩy một thỏa thuận sớm nhất có thể.

Trưởng đoàn đàm phán thương mại Mỹ Michael Froman cho biết: “Chúng tôi đã tìm ra những “vùng hạ cánh” tiềm năng cho những vấn đề lớn còn tồn đọng. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với tinh thần linh hoạt cao độ để đưa ra một thỏa thuận cuối cùng về vấn đề này cũng như việc tiếp cận các thị trường”.

Trước đó, Mỹ - nước khởi xướng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương vẫn tin tưởng các nước có thể đạt được thỏa thuận vào cuối năm nay.

Giáo sư trường Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, bà Deborah Elms đánh giá, tuyên bố chung này chưa tiết lộ nhiều về chi tiết của thỏa thuận cuối cùng. Theo bà Elms và một số chuyên gia khác, với tiến triển đàm phán như hiện nay, các nước có thể đạt được thỏa thuận vào tháng 3 năm sau.

Nếu được thành lập, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương sẽ trở thành một trong những khu vực thương mại lớn nhất thế giới với hơn 792 triệu người, đóng góp gần 40% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới và khoảng 1/3 kim ngạch thương mại toàn cầu.

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương sẽ được mở rộng theo từng giai đoạn để thúc đẩy hội nhập kinh tế sâu rộng hơn, hướng tới việc thành lập Khu vực Thương mại Tự do (FTA) châu Á-Thái Bình Dương./.