Trong số các quốc gia tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam là nước phát triển thấp nhất. Vì vậy khi tham gia Hiệp định này sẽ là cơ hội nhưng cũng sẽ là thách thức lớn nếu doanh nghiệp Việt Nam không có định hướng và chuẩn bị hành trang. Nếu doanh nghiệp không có chiến lược rõ ràng, cập nhật tình hình mới thì không tận dụng được những lợi thế của mình và có nguy cơ thất bại.
Theo các chuyên gia kinh tế, khi tham gia vào TPP, Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, bởi đến nay có 12 quốc gia tham gia vào đàm phán Hiệp định với 800 triệu dân, chiếm 40% GDP toàn cầu. Tuy nhiên, so với khi chúng ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thì TPP điều kiện cao hơn nhiều và đòi hỏi khắt khe, năng lực lớn hơn.
Doanh nghiệp trong nước cần xem xét lợi thế và rào cản khi tham gia TPP. |
PGS, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, khi tham gia TPP, hàng hóa khi xuất khẩu vào thị trường này, để được hưởng ưu đãi về thuế cần phải tuân theo nguyên tắc xuất xứ.
“Đơn cử như hàng dệt may, sợi phải có xuất xứ từ các nước trong TPP. Tuy nhiên, hiện nay đầu vào sản xuất của nước ta lại nhập khẩu từ những nước ngoài TPP. Vì vậy đây là điểm khó để chúng ta được hưởng lợi từ hiệp định mang lại”, PGS,TS Trần Đình Thiên chia sẻ.
Mặc dù nước ta đã tham gia WTO được 6 năm, nhưng nhìn chung các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự làm quen và chủ động trong sân chơi chung toàn cầu này. Trong khi tham gia vào TPP, phạm vi thành viên ít hơn nhưng các cam kết lại sâu và rộng hơn rất nhiều, vì vậy doanh nghiệp cần phải tận dụng cơ hội cũng như giảm những rủi ro trong sân chơi riêng đầy thách thức này.
Khi Hiệp định được thông qua, doanh nghiệp trong nước sẽ có cơ hội nhập khẩu nguồn nguyên liệu phong phú với giá rẻ hơn, nguồn thiết bị, máy móc chất lượng tốt hơn. Nhưng cùng với đó là thách thức khi doanh nghiệp phải đối mặt với đối thủ mạnh hơn về vốn, công nghệ, trình độ quản lý và kinh nghiệm trên cả lĩnh vực sản xuất và kinh doanh.
Bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP giống cây trồng Trung ương nêu ý kiến, thị trường nước ta sẽ có rất nhiều cơ hội, tuy nhiên cũng gặp phải nhiều thách thức.
“Các mặt hàng của các nước TPP sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ và các ưu thế về dịch vụ, giá cả cạnh tranh. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp trong nước nói chung, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng thường có quy mô nhỏ, sản xuất manh mún, giá thành cao. Đây là những thách thức lớn của chúng ta khi gia nhập TPP”, bà Liên cho biết.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Trung tâm WTO, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khi tham gia Hiệp định, hàng rào thuế quan có thể được loại bỏ từ 92% - 95% tại thị trường các nước tham gia Hiệp định. Kèm theo đó việc tăng cường các hàng rào kỹ thuật, nếu năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam không kịp thời được cải thiện để sản xuất hàng hóa chất lượng cao thì sẽ không tận dụng được cơ hội từ Hiệp định này, thậm chí còn mang lại rủi ro.
“Hiệp định TPP hiện vẫn đang trong vòng đàm phán, vì vậy các doanh nghiệp cần nghiên cứu xem quy tắc xuất sứ, mức thuế quan như thế nào là phù hợp để tham gia ý kiến với các cơ quan đàm phán. Để có thể tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức, các doanh nghiệp cần làm ngay việc tìm hiểu các cơ hội đến từ thị trường của TPP khi TPP bắt đầu thành hiện thực, không cần phải đợi đến khi hiệp định chính thức có hiệu lực”, bà Trang khuyến cáo.
Dự kiến Hiệp định TPP sẽ tác động lớn đến môi trường kinh doanh của nước ta thông qua những cam kết trong Hiệp định. Để nắm bắt cơ hội này, các doanh nghiệp cần bám sát lộ trình và các quy định về mở cửa thị trường của Hiệp định. Từ đó, xây dựng kế hoạch đầu tư, sản xuất hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, tận dụng được cơ hội tham gia chuỗi cung ứng trong khu vực.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần khẩn trương có kế hoạch chuyển hướng nguồn nguyên liệu, chuyển hướng kinh doanh và thị trường để khi Hiệp định được ký kết có thể tận dụng được ngay các cơ hội từ việc cắt giảm thuế quan mang lại./.