Thời gian qua, mặc dù đã tích cực điều tiết nguồn nước thủy lợi chống hạn, nhưng tỉnh Bình Thuận vẫn không tránh khỏi thiệt hại do nắng hạn gây ra. 10 năm trở lại đây, ở Bình Thuận, chưa năm nào nắng hạn lại kéo dài và gay gắt như năm nay. Tại huyện Tuy Phong, hồ Đá Bạc đã cạn từ nhiều tháng qua. Hằng trăm ha đất lúa, hoa màu và cây trồng lâu năm bị ảnh hưởng nghiêm trọng do không có nguồn nước tưới.

Gia đình bà Tô Hoài Lệ Thu ở xã Vĩnh Hảo có 5 sào ruộng đã bỏ hoang 2 vụ liên tiếp. Vườn trôm hơn 2 ngàn cây của gia đình bà Thu vì thiếu nước nên cũng bị khô mủ, không thể thu hoạch.

Bị thiệt hại gần 100 triệu đồng, bà Thu buồn bã nói: “Từ năm ngoái đến giờ, chúng tôi không thu hoạch được gì. Hạn hán, không có nước để thu hoạch”.

han_2_lfxj.jpgDo thiếu nước, rất nhiều vườn thanh long ở Bình Thuận khô héo, không thể cho ra quả
Tình trạng nắng hạn kéo dài cũng đã gây thiệt hại nặng nề tại các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân và La Gi.

Gia đình ông Nguyễn Văn Chót ở thôn Đằng Thành, xã Mương Mán, huyện Hàm Thuận Nam có hơn 2 ha thanh long sử dụng nguồn nước thủy lợi của hệ thống hồ Ba Bàu. Nhưng 4 tháng qua, kênh thủy lợi dẫn nước từ hồ Ba Bàu qua khu vực Suối Dầu của thôn Đằng Thành không còn một giọt nước. Thiếu nước tưới, vườn thanh long hơn 2.500 trụ của ông bị héo vàng, không đủ sức cho ra quả.

Ông Chót cho biết: “Cây thanh long này nhờ nước, nếu không có nước, chắc chắn mùa này không có năng suất. Mấy tháng nay thanh long cháy luôn”.

Nguồn nước thủy lợi tại các hồ chứa ở Bình Thuận ngày càng cạn kiệt. Đã có 3 hồ nằm dưới cao trình mực nước chết là: Tà Mon, Sông Phan, Trà Tân; 5 hồ tiệm cận cao trình mực nước chết gồm: Đá Bạc, Cà Giây, Sông Khán, Suối Đá và Núi Đất. Lượng nước hữu ích trong hệ thống 16 hồ thủy lợi của tỉnh hiện chỉ còn khoảng 21 triệu khối, đạt khoảng 10% dung tích thiết kế. 

Bà Tô Hoài Lệ Thu (xã Vĩnh Hảo) cho biết trôm trong vườn khô mủ do hạn hán kéo dài
Trước tình hình này, Bình Thuận đã cắt giảm, không bố trí sản xuất gần 980 ha lúa và hoa màu trong vụ Đông xuân, 550 ha lúa và cây ăn quả bị mất trắng, gần 2.000 ha cây trồng các loại giảm năng suất từ 30 đến 70%, trong đó có hơn 550 ha thanh long…Với lượng nước còn lại, tỉnh ưu tiên sử dụng cho sinh hoạt của người dân và cứu đàn gia súc. Nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài, có khả năng tỉnh Bình Thuận sẽ bỏ sản xuất vụ Hè Thu.

Ông Huỳnh Thanh Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cho biết: “Riêng hai huyện Tánh Linh và Đức Linh có sử dụng nguồn nước sau thủy điện của Hàm Thuận – Đa Mi, cho nên chúng tôi cho sản xuất hè thu bình thường để mà vượt lũ. Tất cả các huyện, thị xã còn lại, kể cả thành phố Phan Thiết đều không cho sản xuất vì không có nước. Nếu như không sản xuất được đến 30/6, chúng tôi cắt vụ hè thu, và chuyển qua vụ mùa”.

Hai ngày qua, trên địa bàn Bình Thuận xuất hiện lác đác vài cơn mưa nhưng chưa thể giải hạn. Theo dự báo của Đài khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ, từ nay đến hết tháng 5, lượng mưa phổ biến trên địa bàn Bình Thuận thấp hơn nhiều so với trung bình những năm trước.

Tình trạng khô hạn và thiếu nước sẽ xảy ra trên diện rộng và có khả năng kéo dài đến hết tháng 5, riêng khu vực phía Bắc tỉnh sẽ kéo dài đến tháng 7. Do đó, tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất nông nghiệp./.