Thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV đang diễn ra tại Hà Nội, Cựu Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, cho rằng, chỉ phát triển thị trường tài chính lành mạnh mới có thể thoát khỏi rủi ro nợ xấu.

nguyen_van_giau_damg.jpg
Ông Nguyễn Văn Giàu (Ảnh: Tuổi trẻ)

Ông Giàu nêu ý kiến: Càng phát triển nhanh thị trường vốn càng làm cho nền kinh tế minh bạch hơn... Các nước khi đã đạt mức thu nhập trung bình thì họ phát triển thị trường vốn, tự khắc sẽ huy động được vốn, lãi suất cũng thấp hơn, chứ vay ngân hàng thì lãi cao, chi phí ngân hàng dự phòng rủi ro lớn vì có nợ xấu…. tất cả đều do người vay chịu hết.

Cựu Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết: "Khi tôi làm ngân hàng (giai đoạn 2008-2011), dư nợ bàn giao là 2,3 triệu tỷ, nay đã lên gần 6 triệu tỷ đồng".

Ông Giàu cho rằng, nợ xấu là mặt trái của hoạt động ngân hàng, giống như việc buôn bán có hàng tồn kho, có hư hỏng.

"Thế giới cũng vậy, nợ xấu phát sinh trước hết do môi trường kinh tế, đặc biệt khi suy thoái. Thứ hai là môi trường pháp luật và thứ ba có phần chủ quan trong hệ thống, chứ không nhất thiết chỉ có yếu tố chủ quan," ông Giàu phân tích.

Trình bày trước Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, quá trình xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Một số Bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm, chủ động thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu, đặc biệt là các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về hoàn thiện hồ sơ pháp lý của tài sản bảo đảm, xử lý tài sản bảo đảm.

Ông Lê Minh Hưng

Việc xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản bảo đảm, bán khoản nợ theo cơ chế thị trường, thu nợ khách hàng vay còn nhiều hạn chế, dẫn đến khó xử lý nợ xấu một cách triệt để.

Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, tính đến cuối năm 2016, tỷ lệ nợ xấu đã bán cho VAMC, chưa xử lý chiếm 5,8%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế. Nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, tỷ lệ này sẽ là 10,08%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.

Ông Lê Minh Hưng nhấn mạnh, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xây dựng phương án xử lý nợ xấu, tích cực triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu phát sinh, nâng cao chất lượng tín dụng. Giai đoạn 2012-2016, toàn hệ thống đã xử lý được 611,59 nghìn tỷ đồng. Kết quả này đã góp phần tăng trưởng tín dụng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức kinh doanh và thúc đẩy phát triển kinh tế.

VAMC đã cùng với các TCTD xử lý 50.139 tỷ đồng nợ xấu trong tổng số 245.924 tỷ đồng nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt. Giai đoạn 2012-2016, toàn hệ thống đã xử lý được 611,59 nghìn tỷ đồng./.