Giải quyết dứt điểm bài toán nợ xấu, khơi thông nguồn vốn - mạch máu cho nền kinh tế - là vô cùng cần thiết. Đây cũng là điều mà nhiều nước, trong đó có Mỹ, Hàn Quốc,... đã làm, sau các cuộc khủng hoảng về nợ xấu trước đây.
'Cục máu đông' nợ xấu vẫn là điểm nghẽn dòng vốn cho nền kinh tế. |
Điểm nghẽn
Những con số được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra thời gian gần đây cho thấy cục máu đông nợ xấu vẫn còn lớn, trên thực tế có thể vượt xa 3% theo báo cáo của các tổ chức tín dụng.
Mức độ tắc nghẽn có thể lên tới 8-9% nếu tính cả nợ xấu ngân hàng do Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) quản lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu. Khoảng nửa triệu tỷ đồng đang ở trong diện này.
Những con số trên cho thấy, các kỳ vọng về khả năng lợi nhuận ở mức cao của hệ thống ngân hàng và khả năng bơm vốn tích cực cho nền kinh tế sẽ còn gặp nhiều khó khăn.
Trong vài năm gần đây, NHNN đã ban hành các khung pháp lý chặt chẽ hơn để xác định và xử lý nợ xấu. Các ngân hàng sẽ dần dần phải xác định nợ xấu tiềm ẩn như một thực tế không thể đổi khác, theo thông lệ quốc tế và các chuẩn mức cao hơn mà Việt Nam sẽ phải theo khi hội nhập.
Một khi tính đầy đủ hơn về nợ xấu, các ngân hàng sẽ phải đẩy mạnh trích lập dự phòng, và đương nhiên, lợi nhuận vốn hiện đã thấp sẽ còn suy giảm. Chi phí tăng cao, các ngân hàng sẽ không có cơ hội giảm lãi suất cho vay. Và nền kinh tế sẽ tiếp tục phải gồng gánh khoản chi phí này và tính cạnh tranh thấp đi.
Thực tế cho thấy, hiện vẫn chưa có tín hiệu cho thấy lãi suất cho vay có thể giảm. Nhiều người thậm chí còn lo ngại, lãi suất cho vay có thể còn tăng sau những biến động bất thường về lãi suất huy động gần đây.
Hồi giữa tháng 3, các ngân hàng thương mại cổ phần đã bất ngờ đồng loạt tăng lãi suất huy động dài hạn lên kỷ lục mới sau nhiều năm, có nơi phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất lên tới 9,2%/năm.
Áp lực huy động vốn để đáp ứng các tỷ lệ an toàn chỉ là một phần. Con sóng biến động lãi suất trong hơn 3 tháng đầu năm có thể chỉ là ở trên bề mặt, nhưng nó cho thấy nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất cho vay như mục tiêu của NHNN là hết sức khó khăn.
Dồn lực tái cấu trúc ngân hàng
Hiện tại, NHNN đang gấp rút hoàn thiện dự thảo Luật hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tháng 5.
Giải quyết dứt điểm nợ xấu sẽ giúp kinh tế phát triển bền vững trong dài hạn. |
Thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật, bàn về dự án Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu và phương án đề nghị sửa đổi, bổ sung các luật liên quan tới dự án Luật Quy hoạch.
Sau khi đánh giá, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định, việc hoàn thiện các quy định về vấn đề này là rất cần thiết, cấp bách, nếu chậm trễ sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình điều hành kinh tế - xã hội.
Thông mạch tái cơ cấu ngân hàng, giải quyết dứt điểm nợ xấu là vấn đề mà nhiều chuyên gia tài chính ngân hàng cũng đã đề xuất trước đó.
Chuyên gia tài chính ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo, việc xử lý nợ xấu không thể là giải pháp tình thế, mà phải là vĩnh viễn, vì nếu chỉ xử lý vấn đề này trong một vài năm thì chỉ là sự lùi lại tạm thời.
Cách xử lý nợ xấu triệt để, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, phải có sự chung sức của cả hệ thống, cả nền kinh tế. Thậm chí có thể tính phương án dùng đến ngân sách. Đó không phải là Chính phủ đứng ra trả nợ cho doanh nghiệp, mà chỉ là dùng tiền tạm ứng để giải quyết triệt để nợ xấu rồi sau khi ngân hàng phát triển thì nhà nước sẽ thu về.
Theo nhiều chuyên gia, phải đồng lòng cùng vào cuộc, không để ngân hàng đơn độc mới giải quyết dứt điểm nợ xấu, thông nguồn vốn nghẽn sẽ là đòn bẩy cho nền kinh tế về dài hạn, đảm bảo cho nền kinh tế phát triển bền vững. Trên thế giới, nhiều nước cũng đã phải dồn sức để giải quyết dứt điểm vấn đề này.
Hàn Quốc là một nước đã có kết quả xử lý nợ xấu mỹ mãn sau thời kỳ khó khăn. Công ty quản lý tài sản của Hàn Quốc (KAMCO) trong gian đoạn 5 năm hậu khủng hoảng tài chính châu Á 1997 đã thu hồi được gần nửa giá trị khoản nợ xấu và đưa tỷ lệ nợ xấu của hệ thống từ 17% xuống chỉ còn hơn 2%.
Điểm khác biệt trong hoạt động của VAMC so với KAMCO là: nguồn tiền để thực hiện việc mua lại nợ xấu. Chính phủ Hàn Quốc đã chấp nhận bù lỗ cho KAMCO bằng tiền ngân sách.
Ở Việt Nam, việc xử lý nợ xấu không dùng đến ngân sách. Đây là một phương án rất sáng tạo. Tuy nhiên, trên thực tế, theo đánh giá của hầu hết các chuyên gia và thì tốc độ xử lý rất chậm do lượng bán thành công thấp.
Và một khi khối nợ xấu chưa được sự chung sức vào cuộc, vẫn mặc định một mình hệ thống ngân hàng đơn độc để 'gỡ cục máu đông' vì lợi ích cả nền kinh tế thì sẽ còn nhiều khó khăn. Và tất nhiên, kéo theo đó việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng sẽ còn vướng, mạch máu chưa thông thì nền kinh tế khó có sức bật phát triển./.Ngân hàng Nhà nước chủ động trong việc kiểm soát thị trường ngoại hối