Ngày 3/7, tại Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về chính sách vận tải năm 2014. Trong đó nêu bật kết quả đạt được sau thời gian triển khai kiểm soát tải trọng phương tiện trên đường bộ, cũng như đề ra những biện pháp  tháo gỡ khó khăn cho đơn vị vận tải khi tiến hành kiểm tra tải trọng xe.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, từ ngày 16/12/2013 đến 31/5/2014, các trạm kiểm tra tải trọng xe đã dừng, kiểm tra 103.528 xe ô tô, phát hiện và lập biên bản 24.856 trường hợp vi phạm; xử phạt nộp kho bạc nhà nước 77 tỷ đồng, tạm giữ 536 phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 14.011 trường hợp, đồng thời xử lý hạ tải đối với 7.236 phương tiện vi phạm cùng 32.944 tấn hàng.

Tuy nhiên, quá trình triển khai công tác kiểm soát tải trọng xe còn phát sinh nhiều khó khăn, bất cập và diễn biến phức tạp, ý thức chấp hành các quy định về vận tải hàng hóa bằng xe ô tô của một số doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, chủ xe, lái xe còn kém; doanh nghiệp, cá nhân tự ý cải tạo, cơi nới thùng xe để chở hàng quá tải...

Bên cạnh đó một số tỉnh còn khó khăn về vị trí, mặt bằng đặt trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động; thiếu về lực lượng, nhân sự để thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện theo chế độ 24/7; nhiều địa phương còn lúng túng trong việc bố trí, chi trả hoặc chưa được bố trí kinh phí cho các lực lượng làm việc tại các trạm.

706954_hveb_xfem.jpg 

Kiểm tra tải trọng trên trục xe gây khó khăn cho lực lượng chức năng và doanh nghiệp. (Ảnh: TTO)

Tại hội nghị, đại diện nhiều doanh nghiệp vận tải, đại diện hiệp hội vận tải đã nêu lên những vấn đề bất cập trong quá trình thực hiện siết chặt kinh doanh vận tải, kiểm soát tải trọng phương tiện. Theo đó, bất cập nhất hiện nay chính là cách tính tải trọng xe theo đầu trục. Việc làm này trên thực tế triển khai quá phức tạp, gây khó khăn cho cả cơ quan chức năng và chủ xe bởi việc phải phân bổ đều tải trọng hàng hóa trên các trục xe để khi kiểm tra không bị vượt quá tải trọng.

Đại diện các doanh nghiệp cũng kiến nghị nên kiểm tra tổng tải trọng của xe, xử phạt xe quá tải theo tổng tải trọng chứ không theo từng trục. Bên cạnh đó, nhiều văn bản quy phạm pháp luật hiện nay còn rườm rà, phức tạp, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Tình trạng xe né trạm cân còn phổ biến, nhiều xe cố tình đi vào ban đêm khi trạm cân không hoạt động để tránh bị kiểm tra.

Ngay tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã yêu cầu lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, Vụ Vận tải trả lời những thắc mắc, kiến nghị của doanh nghiệp.

Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu, ngay trong ngày 4/7 phải có văn bản của Bộ GTVT đề nghị lực lượng cảnh sát giao thông dừng xử phạt xe vi phạm quá tải trọng trục, chỉ xử phạt xe vi phạm tổng tải trọng. Ngoài ra, những trường hợp quá tải trọng dưới 10% cũng đề nghị không xử phạt.

Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, quan điểm của Bộ GTVT là siết chặt quản lý kinh doanh vận tải nhưng phải thúc đẩy thị trường vận tải phát triển, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp hoạt động. Những quy định nào còn chưa rõ ràng, chưa thống nhất thì chưa tiến hành xử phạt. Đồng thời, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ, nếu để xảy ra tiêu cực trong công tác quản lý kinh doanh vận tải, kiểm soát tải trọng phương tiện sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu./.