Tuy nhiên, việc cân tải trọng xe hiện đã nảy sinh nhiều vướng mắc, bất cập cần sớm được giải quyết.
Tại điểm cân tải trọng xe trên đường Nguyễn Văn Linh, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh, lực lượng chức năng bao gồm cảnh sát và thanh tra giao thông phải làm việc hết công suất vì lượng xe rất nhiều. Chiếc xe cân tải trọng lưu động trị giá hơn 2 tỷ đồng do Tổng cục Đường bộ cấp cũng hoạt động liên tục. Thế nhưng, do sự chiếm dụng lòng đường của chiếc cân này, cộng với hạn chế về mặt bằng hạ tải khiến cho việc cân xe đã khó, việc hạ tải càng trở nên khó khăn hơn. Thêm vào đó, nếu trời mưa, trạm cân di động được lắp đặt với nhiều thiết bị điện tử sẽ không chịu được nước.
Ông Đàm Phan Phát, Đội trưởng Đội 1, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh nói: “Vị trí bố trí mặt bằng chiếm dụng mặt đường rất nhiều. Sở cũng đang triển khai khảo sát tìm thêm những địa điểm thích hợp thành lập trạm cân điện tử. Đồ điện tử rất kị nước, nếu trời chuyển mưa, chúng tôi cũng buộc phải thu trạm cân vào ngay”.
Cũng trên tuyến đường này, rất nhiều xe tải, xe container nối đuôi nhau, xếp thành hàng dài, như thi gan đối phó với lực lượng chức năng. Thậm chí, để tránh bị kiểm soát, một số lái xe đã tìm cách chuyển tải, khi qua trạm cân lại bốc hàng lên; một số thì né trạm bằng cách đi đường tránh, “mật báo” cho nhau dừng lại tại các khu đất trống, quán ăn, cây xăng.
Khi triển khai việc cân tải trọng xe, đã xuất hiện một số bất cập trong xử lý xe vi phạm, nhất là đối với xe container. Với các container, quy định về kích thước, trọng lượng vỏ, khối lượng hàng hóa xếp bên trong... tiêu chuẩn là thống nhất trên toàn thế giới. Nhưng ở Việt Nam, do quy định về tải trọng đường bộ, nên nếu xếp đủ tải container theo thiết kế thì tổng trọng lượng xe và hàng sẽ vượt quá quy định hiện hành, buộc doanh nghiệp phải tăng chi phí đóng thêm container, chi phí rút hàng giảm tải container.
Ông Đỗ Xuân Phú, Giám đốc Công ty Vận tải Minh Liên bức xúc: “Không biết container có quá tải hay không, nhưng tại sao cũng một cái rơ-mooc 40 ở nước ngoài người ta cho chở 30 tấn mà về Việt Nam lại chỉ cho chở 22 tấn. Nếu cơ sở hạ tầng không đáp ứng được thì đừng cho phép nhập rơ-mooc này về nữa. Gây khó khăn cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến kinh tế rất nhiều chứ không phải chuyện thường”.
Đối với việc đăng ký tải trọng của sơ-mi rơ-moóc vận chuyển thực hiện theo các thông tư 03, 07 ngày 11/2/2010 của Bộ Giao thông Vận tải qui định về tải trọng khổ giới hạn của đường bộ; tải trọng của quốc lộ thì tải trọng được phép trên giấy tờ luôn thấp hơn tiêu chuẩn của nhà sản xuất.
Còn hiện nay, Cục Đăng kiểm lại công nhận một số sơ-mi rơ-móoc của một số nhà sản xuất nhất định có thể chở đúng theo thiết kế. Những sơ-mi rơ-mooc đã mua trước đó muốn đăng ký đăng kiểm lại cho khớp với thiết kế thì còn phải chờ văn bản hướng dẫn.
Như vậy, có thể cùng một thiết kế, nhưng những nhà vận tải mua thiết bị trước đây sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt về lỗi chở hàng vượt quá tải trọng, nếu mua thiết bị sau này thì không bị xử phạt.
Ông Nguyễn Đăng Toàn, Giám đốc công ty vận tải Quốc Thịnh nói: “Theo thông tư 03 với 07 nên làm thống nhất luôn, các doanh nghiệp vận tải chỉ cần dựa vào đó để làm. Chứ hiện nay các phương tiện được các trung tâm kiểm định cấp phép mỗi nơi mỗi kiểu. Nó đẩy các doanh nghiệp vừa làm vừa run, không biết lúc nào mình đúng, lúc nào mình sai. Chúng tôi mong muốn Bộ Giao thông Vận tải cho một hành lang pháp lý thật chuẩn để doanh nghiệp biết mà làm”.
Cũng về vấn đề này, ông Lương Hoàng Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hoá thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Hiệp hội vừa có công văn gửi Thủ tướng và Bộ Giao thông Vận tải xem xét hai vấn đề. Thứ nhất là cho khôi phục lại đăng ký đăng kiểm của số rơ-mooc bị hạ tải. Thứ hai là tạm thời không thực hiện phụ lục 02 trong công văn 3915”.
Cùng với việc điều chỉnh các quy định cho hợp lý, thì một vấn đề nữa cần phải thực hiện ngay là xử lý xe quá tải từ nguồn. Cách làm này vừa tránh lãng phí thời gian và công sức, vừa tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải tính toán giá thành một cách hợp lý và minh bạch ./.