Trong tuần đầu tiên triển khai kiểm tra tải trọng xe, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, lực lượng chức năng đã kiểm tra 4.122 xe, trong đó có 750 xe vi phạm (chiếm 18,2%).
Tính đến thời điểm này đã có 17 địa phương tích cực triển khai cân xe, hoạt động 24/24h là: Hà Nội, Nghệ An, Phú Yên, Lâm Đồng, Phú Thọ, Hưng Yên, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Quảng Trị, Kon Tum, Gia Lai, Hà Nam, Nam Định, Thái Nguyên, Thanh Hóa. Vẫn còn 24 địa phương chưa đưa bộ cân lưu động vào hoạt động.
Các cán bộ chức năng kiểm tra tải trọng xe (Ảnh: KT) |
Trục trặc về kỹ thuật
Cơ quan chức năng các tỉnh thành gần đây cũng phản ánh một số vấn đề mắc phải trong quá trình kiểm tra tải trọng xe. Cụ thể, tại tỉnh Phú Yên, ông Hoàng Thanh Xuân - chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải Phú Yên – trả lời trên báo chí cho biết máy tính của trạm cân thường xuyên không kết nối với hệ thống mạng của Tổng cục Đường bộ VN, khiến việc cân xe mất rất nhiều thời gian. Các lái xe phải lui ra lui vào trạm cân mới có thể tiến hành được.
Ngoài ra, hiện tại mặt bằng đặt trạm cân quá chật, chỉ khoảng 1.200m2 nên trạm chỉ cân chủ yếu các xe chạy hướng Bắc - Nam, còn xe chạy hướng Nam - Bắc phải cua vòng lại mới có thể cân được. Trong khi quốc lộ 1 đoạn qua trạm cân đang nâng cấp, nhà thầu cho rào chắn dọc hai bên đường nên gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng làm nhiệm vụ khi điều tiết xe ra vào trạm cân.
Đối lập các nhóm lợi ích
Xe tải nối dài hàng chục kilômet trên quốc lộ 1 qua Phú Yên gây ách tắc (Ảnh: TT) |
Việc cơ quan chức năng triển khai kiểm soát xe quá tải sẽ đối lập với lợi ích của lái xe, chủ xe, của một số người có cổ phần đầu tư vào các doanh nghiệp vận tải, thậm chí cả một số người thực thi công vụ có dung túng, bảo kê cho một số đoàn xe.
Về phía nhân viên lái xe, theo kế hoạch, việc cân tải trọng xe chỉ được tiến hành theo ca, sáng từ 7h30 - 11h, chiều từ 13h - 17h. Do vậy, khi thấy sự xuất hiện của lực lượng chức năng xe tải nặng lại dừng lại, xếp cả hàng dài trên đường hoặc trốn vào các quán cơm, cây xăng. Đến khi lực lượng liên ngành đóng trạm nghỉ trưa, các xe này mới bắt đầu lưu thông trở lại.
Lý giải cho hành vi “bất chấp” quy định pháp luật này, các lái xe cho biết, chở hàng đúng tải chi phí lớn, phụ thu trên đường nhiều, lái xe và chủ xe sẽ bị lỗ. “Vì vậy, dù biết là nguy hiểm và phải chốn chui chốn lủi nhưng nhiều khi anh em vẫn phải liều mình. Hơn nữa, nếu lái xe không chở thì chủ xe sẽ thuê lái xe khác và chúng tôi mất việc ngay, chứ họ không chịu xuất hàng đúng tải”, một lái xe cho biết.
Về phía các doanh nghiệp, như báo chí đã đưa tin, tại các cảng Vật Cách, Nam Linh, Tuấn Hương (Hải Phòng)... hàng chục thương nhân buôn gạo đang chạy đôn chạy đáo tìm mối chở gạo. Bình thường, mỗi ngày tại đây có hàng trăm xe tải vào chở gạo lên các cửa khẩu Lào Cai, Cao Bằng... để xuất sang Trung Quốc. Thế nhưng từ ngày 1/4, tại các cầu cảng đìu hiu, tàu chở gạo nằm im lìm trên sông vì xe không vào bốc gạo. Theo thống kê từ cảng Hải Phòng, hiện có gần 300.000 tấn gạo bị ùn ứ tại các cảng trong một tuần nay.
Ngoài ra, từ tháng 4, các doanh nghiệp vận tải nâng giá cước lên gấp đôi, khoảng 1,2 triệu đồng/tấn vì các chủ xe chỉ chở được một nửa hàng mỗi chuyến so với trước, do vậy đã xảy ra tình trạng ách tách hàng nông sản ở nhiều tỉnh thành.
Có cầu ắt sẽ có cung, do vậy tình trạng một số cán bộ chức năng “lơ là” với nhiệm vụ vẫn tiếp tục xảy ra. Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Đức Thắng, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho rằng, dù Bộ GTVT đã có công văn đôn đốc, yêu cầu nhưng tình hình xe né trạm cân, lơ là không xử phạt vẫn tiếp diễn tại nhiều địa phương.
Tình trạng “xe đứng nhìn người, người đứng nhìn xe”, nhưng không hề xử lý vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Theo Thông tư 35, việc xe chất hàng quá tải trọng đã có thể xử lý, nhưng tại một số địa phương, xe quá tải đứng ngay trước trạm để rình chờ vượt qua, nhưng cán bộ cân xe cũng không ra xử lý. Nhiều trạm còn thực hiện cân xe kiểu “đối phó”, không sử dụng trạm cân di động do Tổng cục cấp, mà dùng trạm cân xách tay. Trong khi đó, chỉ khi sử dụng trạm cân di động thì thông tin mới tự động báo về Tổng cục để xử lý. Cái khó là nhiều địa phương né tránh không muốn xử phạt, không loại trừ khả năng tiêu cực./.