Bình Dương hiện đứng thứ 2 cả nước về diện tích cao su, với khoảng 130 ngàn ha, trong đó cao su tiểu điền chiếm đến 85 ngàn ha. Nhiều năm qua, cao su tiểu điền khi khai thác xong, đa số các hộ nông dân bán cho các điểm thu mua nhỏ lẻ, vì vậy đã xảy ra tình trạng bị ép giá, nhất là khi giá xuất khẩu xuống thấp.
Bình Dương hiện có 2 doanh nghiệp kinh doanh, chế biến và xuất khẩu cao su chủ lực là Dầu Tiếng và Phước Hòa. Ngoài ra còn có hàng trăm cơ sở chế biến và thu mua nhỏ lẻ khác đang hoạt động. Việc ra đời của quá nhiều các điểm thu mua mủ nhỏ lẻ khiến cho việc quản lý chất lượng sản phẩm, nhất là giá cả đang có nhiều bất lợi cho người trồng cao su tiểu điền.
Cụ thể, giá mua mủ của các nhà máy chế biến gần 420 đồng/độ, nhưng tại nhiều điểm thu mua lẻ chỉ cách nhà máy khoảng 7 km, giá mua vào chỉ từ 360 - 380 đồng/độ. Việc nông dân trồng cao su tiểu điền bị ép giá đã diễn ra lâu nay, song vai trò quản lý nhà nước và các doanh nghiệp chủ lực trong xuất khẩu cao su vẫn còn mờ nhạt.
Hiện nay, giá cao su xuất khẩu đang xuống thấp chỉ từ 45 triệu đến 50 triệu đồng/tấn, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu xuống thấp đã tác động trực tiếp đến giá bán của các hộ trồng cao su tiểu điền.
Theo ông Nguyễn Văn Tân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa, “sản lượng chúng tôi thu mua khoảng từ 40 đến 60 tấn/ngày, với mức giá hợp lý cho nông dân. Về mặt bằng chung, tôi cho rằng cần có sự quan tâm đối với phương án tiêu thụ, vận chuyển sản lượng đến tận các nhà máy lớn”./.