Do ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, thời gian gần đây, giá cao su liên tục giảm mạnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và người trồng cao su trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Trước tình hình này, người lao động đang phải đối mặt với tình trạng giảm lương, mất việc, các vườn cao su tiểu điền cũng bỏ cạo mủ vì thu không đủ chi.

Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có gần 25.000 ha diện tích trồng cây cao su, trong đó diện tích cao su tiểu điền chiếm khoảng 40%. Theo công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) cao su Bà Rịa, giá mủ sơ chế hiện nay chỉ còn 45 triệu đồng/tấn, giảm tới 38% so với mức đỉnh điểm của đầu năm ngoái. Do ảnh hưởng của việc giảm giá, tổng doanh thu cũng giảm mạnh. Do đó, người lao động phải đối mặt với tình trạng giảm lương, mất việc làm. Để duy trì hoạt động, công ty phải “thắt lưng buộc bụng” cắt giảm nhiều khoản chi phí và nỗ lực vận động công nhân tăng sản lượng khai thác.

Anh Hồ Thanh Liêm - công nhân công ty TNHH MTV  cao su Bà Rịa cho biết: “Giá mủ hiện nay xuống thấp tất nhiên thu nhập cũng sẽ thấp hơn năm ngoái, công ty cũng như nông trường, các đơn vị, đoàn thể vận động tham gia tuyền truyền vận động công nhân tuy giá mủ thấp cũng cố gắng phải tận thu, tăng sản lượng để có thu nhập ổn định”.

Còn anh Trần Thanh Tùng – Công nhân công ty cao su Thống Nhất cũng cho biết: “Có những năm giá mủ cũng lên xuống hết sức thất thường, nhưng năm nay đặc biệt giá xuống hơi sâu, cho nên ít nhiều cũng ảnh hưởng đến đời sống người lao động, vì thu nhập thấp so với mọi năm”.

Không chỉ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cao su đang gặp khó, mà các hộ nông hộ trồng cao su tiểu điền cũng đang đối mặt với nhiều thách thức khi giá mủ cao su giảm mạnh. Sau khi đạt ngưỡng khoảng 25.000 đồng/kg mủ tươi vào giữa năm 2012, thì từ đầu năm 2013 đến nay, giá mủ cao su bán tại vườn cao su trên địa bàn tỉnh liên tục sụt giảm và hiện chỉ còn 10 đến 12 ngàn đồng/kg.

Hiện hộ tiểu điền cũng chỉ tổ chức khai thác cầm chừng, chờ giá cả ổn định trở lại mới tăng cường khai thác tiếp. Ông Võ Chu Ân – hộ tiều điền xã Bình Giã – huyện Châu Đức chia sẻ: “Hiện nay chúng tôi chỉ cố gắng làm để mong chờ giá cao lên, nếu giá cứ như thế này thì không thể sống được, rồi dần dần cũng chuyển nghề”.

Theo nhận định của các chuyên gia, nguyên nhân khiến giá mủ cao su giảm hiện nay do thị trường thế giới giảm mạnh, những đơn vị nước ngoài ngừng thu mua sản phẩm, kéo theo mức giảm mặt bằng giá thu mua mủ cao su trong nước.

Giá bán cao su trên thị trường vẫn đang giảm thấp, các công ty kinh doanh, sản xuất cao su đang xem xét các biện pháp điều chỉnh kế hoạch, vận động công nhân khai thác, chế biến vượt kế hoạch sản lượng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, tạm thời ngưng các công trình xây dựng cơ bản chưa cần thiết để tập trung mọi nguồn lực cho sản xuất kinh doanh và ổn định đời sống, thu nhập của công nhân; đồng thời, chủ động tìm kiếm nhiều thị trường tiêu thụ mới ở Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapo…

Ông Huỳnh Ngọc Hiếu, Phó Tổng Giám đốc công ty TNHH MTV cao su Bà Rịa cho biết: “Nguyên nhân chủ yếu do tình hình suy thoái kinh tế của thế giới chưa dừng lại, vì vậy các đơn vị nước ngoài sản xuất, dùng nguyên liệu cao su thì có đơn vị thu hẹp lại và có những đơn vị ngừng sản xuất. Vì vậy mà nhu cầu cao su trên thế giới có phần nào giảm đi, kéo giá cao su giảm”.

Trước tình hình giá cao su giảm mạnh như hiện nay, các doanh nghiệp cao su còn có thể đứng vững được do có những chiến lược lâu dài, nhưng còn về phía những nông hộ tiểu điền có thể sẽ xuất hiện tình trạng phá bỏ, gây thiệt hại lớn về kinh tế, vì một hec-ta cao su từ khi trồng đến khi thu hoạch phải mất từ 5 - 6 năm. Do vậy, các cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần có những giải pháp quy hoạch, định hướng cho người trồng; không để tình trạng người dân mở rộng diện tích cao su một cách tự phát, rồi lại lâm vào cảnh vừa trồng đã chặt./.