Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất của Ngân hàng ANZ, Glenn B.Maguire, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhận định, trong năm 2016 và 2017 châu Á sẽ có ba nền kinh tếtăng trưởng cao là Việt Nam, Ấn Độ và Philippines.

Ông Maguire cho rằng, trong 2 năm tới, xét nền kinh tế toàn cầu, Trung Quốc có thể tăng trưởng chậm lại, Mỹ cũng tăng trưởng chậm hơn so với mong đợi. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là 1 trong 3 quốc gia châu Á hứa hẹn về tăng trưởng, bên cạnh Ấn Độ và Philippines.

Nền kinh tế VIP

Vị chuyên gia này gọi 3 quốc gia có tiềm năng tăng trưởng tốt là VIP (có nghĩa tiếng anh là “rất quan trọng”, ngoài ra cũng là từ viết tắt của Việt Nam – India (Ấn Độ) – Philippines).

Tuy nhiên, ông Maguire cũng lưu ý rằng, bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay có một số xu hướng diễn ra cho thấy cán cân rủi ro không cân bằng như: Giá dầu và giá hàng hóa tiếp tục giảm. Điều này có lợi cho kinh tế và tiêu dùng của Mỹ.

vn_jran.jpg
Việt Nam dẫn đầu trong nhóm các nước châu Á tăng trưởng cao.

Dừng lại ở điểm nhấn là khu vực Châu Á, chuyên gia ANZ đánh giá, nhìn chung khu vực Châu Á bị ảnh hưởng tiêu cực. Tuy nhiên, 3 quốc gia trong khu vực sẽ không bị ảnh hưởng tiêu cực từ bức tranh ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu đó là Ấn Độ, Philippines và Việt Nam.

“Nhìn vào Việt Nam chúng ta phải tự hào về thành tích của Việt Nam so với các nền kinh tế Châu Á khác, kể cả xuất khẩu hay nhập khẩu đều có giá trị đáng kể. Về thị trường tiền tệ, đồng Việt Nam vẫn ổn định trong thời gian qua trong khi đồng Baht của Thái Lan, đồng Ringit của Malaysia hay tiền của Indonesia bị yếu đi đáng kể do ảnh hưởng của suy thoái thương mại”, ông Maguire lưu ý.

Theo vị chuyên gia này, Việt Nam được xem là nước đa dạng hóa về các ngành hàng xuất khẩu rất nhanh chóng, từ các mặt hàng truyền thống như dệt may, dầu thô, thủy hải sản là chủ lực. Hiện kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng như điện thoại di động, máy tính… các mặt hàng có giá trị gia tăng cao hơn và hàm lượng công nghệ cao hơn.

Sức đề kháng cao

Tốc độ đa dạng hóa nhanh chóng góp phần củng cố sức bật, sức bền của kinh tế Việt Nam, giúp chống lại các cú sốc kinh tế trong giai đoạn hiện nay, ông Maguire nhận định.

Tăng trưởng GDP quý 3 của Việt Nam đạt 6,5% tính từ đầu năm, cao hơn so với dự kiến. Điều này khiến ANZ một lần nữa nâng dự báo tăng trưởng GDP lên 6,8% cho năm 2015 và 6,9% cho năm 2016 (so với dự báo trước đây là 6,5% và 6,5%).

Tăng trưởng GDP Q3 6,50% từ đầu năm 2015 cao hơn kỳ vọng thị trường. GDP quý III tăng 6,8% từ 6,5% trong quý I.

Theo ông Maguire, từ nay đến 2017, nền kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục mạnh và sáng sủa hơn các nền kinh tế trong khu vực, thậm chí tăng trưởng kinh tế Việt Nam cao hơn tăng trưởng kinh tế Trung Quốc 1% trong năm 2017.

Tuy nhiên, ANZ tiếp tục giữ nguyên quan điểm về triển vọng tăng trưởng cao hơn của Việt Nam có thể đi kèm theo thâm hụt cán cân vãng lai nhẹ trong trung hạn, chuyên gia này cho biết.

Ông Maguire chia sẻ thêm, nền kinh tế Việt Nam đi lên thể hiện qua doanh số ô tô bán ra ở quốc gia này tăng đáng kể: Từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay đạt hơn 124.000 chiếc, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt con số hơn 76.000 chiếc.

Ông Glenn B.Maguire, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng ANZ.

Khi cuộc sống khấm khá người ta mới nghĩ đến chuyện mua nhà, tậu xe hơi, và doanh số bán xe ô tô tăng lên tại Việt Nam từ đầu năm đến nay cho thấy mức sống của người dân được cải thiện đáng kể.

Tốc độ bán ô tô tăng mạnh, theo ông Maguire, thể hiện niềm tin của người tiêu dùng vào triển vọng và tương lai của nền kinh tế; doanh số bán ô tô là chỉ số quan trọng đo sức khỏe của nền kinh tế, thể hiện chỉ số niềm tin của người tiêu dùng được khôi phục.

Đại diện của ngân hàng ANZ cũng cho rằng tăng trưởng kinh tế nhanh sẽ góp phần giảm nợ công của Việt Nam, bên cạnh các giải pháp như cắt giảm chi tiêu của Chính phủ, phân bổ ngân sách./.