Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa cho biết, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế đạt 6,81% trong quý III/2015. Tính chung 9 tháng, tăng trưởng kinh tế đạt 6,5% so với cùng kỳ năm 2014, cao nhất trong vòng 5 năm qua.

Trong mức tăng 6,5% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,08%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,57%, khu vực dịch vụ tăng 6,17%.

gdp_9_thang__olzn.jpg

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành lâm nghiệp đạt mức tăng cao nhất với 7,89% so với cùng kỳ năm 2014. Riêng ngành nông nghiệp chỉ tăng 1,77%, nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của thời tiết không thuận, giá cả một số vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp không ổn định và có xu hướng tăng nên sản lượng lúa đạt thấp. 

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 9,69% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều mức tăng cùng kỳ của một số năm gần đây, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng cao 10,15%, góp phần quan trọng vào mức tăng trưởng chung; ngành khai khoáng tăng 8,15%. Ngành xây dựng 9 tháng tăng 9,00%, là mức tăng cao nhất trong 5 năm gần đây.

Trong khu vực dịch vụ, một số ngành dịch vụ kinh doanh có mức tăng cao hơn cùng kỳ năm trước: Ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa vật phẩm tiêu dùng; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; kinh doanh bất động sản có cải thiện hơn.

Các ngành dịch vụ không kinh doanh có mức tăng thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2014 do cơ bản ổn định biên chế, tiết kiệm chi thường xuyên, giá dịch vụ y tế, giáo dục không điều chỉnh trên diện rộng...

Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 16,30%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,09%; khu vực dịch vụ chiếm 40,52%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,09%./.

Đánh giá về kinh tế Việt Nam 9 tháng năm 2015, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết: Nền kinh tế nước ta trong bối cảnh thị trường toàn cầu có nhiều biến động mạnh, trong đó dầu thô giảm giá liên tục và giảm ở mức sâu trong những tháng qua, chủ yếu do nguồn cung tăng, tác động tích cực tới tăng trưởng của các nước nhập khẩu dầu nhưng đối với các nước xuất khẩu dầu, tăng trưởng bị ảnh hưởng do doanh thu xuất khẩu giảm.

Bên cạnh đó, mối quan ngại lớn nhất trong thời gian qua là sự bất ổn của thị trường tài chính toàn cầu với việc giảm giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc khiến phần lớn các quốc gia châu Á phải đối mặt với áp lực phá giá tiền tệ để bảo đảm năng lực cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, thị trường tiền tệ và cổ phiếu tại các nền kinh tế mới nổi đang chịu nhiều áp lực do các dòng vốn đầu tư giảm đáng kể.

Ở trong nước, giá dầu thế giới giảm mạnh đã khiến giá dầu trong nước giảm, tác động trực tiếp đến nền kinh tế và ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, xem xét ở khía cạnh tích cực thì giá dầu giảm là cơ hội để hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ trong nước giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, thúc đẩy tiêu dùng xã hội. Xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự giảm giá đồng Nhân dân tệ và các đồng tiền của nhiều nước khác trên thế giới. 

Trước diễn biến phức tạp của kinh tế toàn cầu, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách, nhất là chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, duy trì mức tăng trưởng hợp lý./.