Khối nghiên cứu của Ngân hàng ANZ vừa có báo cáo về chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam với đánh giá: Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam đang duy trì ở mức ổn định khi sự phục hồi kinh tế trở nên vững chắc hơn.
Việt Nam đang ngày càng nổi bật
Cụ thể, theo ANZ, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam ANZ-Roy Morgan duy trì ở mức 140,2 điểm trong tháng 5, cao hơn nhiều so với mức trung bình dài hạn là 135,2 điểm.
Nền sản xuất công nghiệp và chỉ số sản xuất PMI đang tăng cao ở Việt Nam (Ảnh minh họa: DĐDN) |
ANZ đánh giá nền kinh tế Việt Nam hiện đã chạm đáy và dự đoán sự phục hồi sẽ tiếp diễn trong giai đoạn 2015 và 2016. Cơ chế truyền dẫn của một nền kinh tế phục hồi vững chắc đến niềm tin người tiêu dùng là khá rõ ràng. Nền sản xuất công nghiệp và chỉ số sản xuất PMI đang tăng cao ở Việt Nam cũng như sản lượng đầu ra bền vững hơn sẽ sớm đem lại thu nhập và tình trạng có việc làm cao hơn.
Khi động thái này diễn ra, có thể kỳ vọng niềm tin người tiêu dùng và sự hình thành tổng thu nhập sẽ cải thiện trong những quý tiếp theo. Sự phục hồi vững chắc và liên tục sẽ khiến các hộ gia đình trở nên tự tin hơn để chi tiêu, đẩy mạnh hơn nữa phục hồi nhu cầu nội địa.
“Đối với một nền kinh tế mới nổi, theo ANZ, sẽ có một sự cảnh báo rõ rệt rằng cơ chế lan truyền này có thể diễn ra với một độ trễ chưa xác định hoặc chỉ diễn ra một phần do tỷ lệ để dành tiết kiệm cao. Mặc dù vậy, nền kinh tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn khả quan và cả chỉ số niềm tin người tiêu dùng lẫn chi tiêu sẽ đóng vai trò chính trong việc đảm bảo cho nền kinh tế giữ nguyên trạng thái ở trung hạn.
Việt Nam đang ngày càng nổi bật lên trở thành nền kinh tế hấp dẫn nhất Đông Nam Á”- ông Glenn Maguire, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương của ANZ đánh giá.
36% người tiêu dùng Việt thấy tài chính gia đình họ “tốt hơn” năm trước
Trong báo cáo này, ANZ đưa ra một số chỉ số đáng lưu ý như: Xét về tình hình tài chính cá nhân hiện tại, 36% (tăng 1%) người tiêu dùng Việt Nam cho rằng tình hình tài chính gia đình họ hiện tại “tốt hơn” năm trước, so với 18% (giảm 1%) cho biết tình hình tài chính gia đình họ “xấu hơn” (mức thấp nhất cho chỉ số này trong hơn 1 năm qua, kể từ tháng 3/2014).
Theo những người tiêu dùng Việt Nam tham gia khảo sát, 56% (giảm 1%) kỳ vọng rằng tình hình tài chính gia đình họ sẽ “tốt hơn” vào thời điểm này trong năm tới so với 5% (giảm 1%) người tiêu dùng dự đoán rằng tình hình tài chính của họ sẽ “xấu hơn”.
Thêm vào đó, 53% (giảm 2%) người tiêu dùng cho rằng tình hình tài chính Việt Nam sẽ ở “trạng thái tốt” trong vòng 12 tháng tới và có 12% (tăng 1%) người tiêu dùng dự đoán rằng tình hình tài chính Việt Nam sẽ ở “trạng thái xấu”.
Xét về dài hạn, 61% (giảm 2%) người tiêu dùng Việt Nam kỳ vọng rằng tình hình kinh tế Việt Nam sẽ ở “trạng thái tốt” trong 5 năm tới khi so sánh với 5% (không thay đổi) người tiêu dùng Việt Nam dự đoán rằng tình hình kinh tế sẽ ở “trạng thái xấu”.