Phóng viên VOV.VN trao đổi với ông Nguyễn Anh Ngọc – Giám đốc Công ty NAN Việt Nam về vấn đề nhân sự, nhân lực. Ông Nguyễn Anh Ngọc tốt nghiệp cao học tại ISCID (Đại học Thương mại Quốc tế Dunkerque, Pháp) (2004 - 2007) về Quản trị kinh doanh quốc tế và Quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp liên doanh quốc tế. Mới đây, ông Nguyễn Anh Ngọc là một trong các diễn giả chính tham dự Ngày Nhân sự Việt Nam 2016.

ngoc_vov_hxlv.jpg
Ông Nguyễn Anh Ngọc

PV: Xin chào ông Anh Ngọc. Liên quan đến khởi nghiệp, điều khiến nhiều người lo nhất hiện nay chính là “tiền ở đâu, vốn ở đâu”. Vậy đây có phải là chuyện đáng lo nhất khi mỗi người bắt tay vào khởi nghiệp?

Ông Nguyễn Anh Ngọc: Quan điểm và thực tế công việc của tôi thì lại không như vậy. Khi khởi nghiệp, tôi thấy vấn đề quan trọng nhất là nhân sự (bản thân người thủ lĩnh và các cộng sự, quan trọng nhất là người thủ lĩnh) sau đó mới đến chiến lược công ty và cuối cùng là tài chính.

PV:Như vậy, ông là người rất quan tâm đến nguồn nhân sự. Trong quá trình khởi nghiệp, ông có gặp khó khăn, thuận lợi gì trong tìm kiếm nhân lực?

Ông Nguyễn Anh Ngọc: Hiện nay nhân sự được trẻ hóa và trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm, năng động và đặc biệt trình độ tiếng Anh rất tốt, nhưng tính thực hành của đại đa số các bạn lại không bằng các thế hệ 8X.

Theo tôi, một phần do bản thân các em chưa có sự định hướng tốt từ nhà trường và bản thân, gia đình thì bao bọc các em. Trong khi đó, đa phần các doanh nghiệp thì chưa quan tâm việc nhận và đào tạo các sinh viên thực tập trong quá trình học đại học và cao đẳng. Bản thân tôi và công ty, chúng tôi đánh giá cao và đầu tư nhiều cho các bạn sinh viên từ năm thứ 3, thứ 4 để đào tạo và thực tập, sau đó nhận các em vào làm.

PV:Điều này có nghĩa, việc đào tạo hiện nay chưa đáp ứng được mong đợi của doanh nghiệp, thưa ông?

Ông Nguyễn Anh Ngọc: Theo tôi, về kiến thức chung, lý thuyết thì đáp ứng được, nhưng về tính thực hành của các em sinh viên đại đa số thì chưa đáp ứng được. Giáo dục đại học, cao đẳng của Việt Nam còn thiên nhiều về lý thuyết và chưa phân chia rõ ràng làm hai phân khúc ‘Khối các trường đại học, cao đẳng thực hành’ mục đích đào tạo cử nhân, cao học thực hành phục vụ cho khối các doanh nghiệp và ‘khối các trường đại học nghiên cứu’ mục đích đào tạo cử nhân, cao học, tiến sỹ  phục vụ khối các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu làm công tác giảng dạy, nghiên cứu chuyên sâu, xã hội hoặc các công ty tư vấn.

Việc đào tạo cho khối các doanh nghiệp, theo tôi thì chưa đáp ứng được mong đợi các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Anh Ngọc tại Ngày nhân sự 2016

PV:Rõ ràng, câu chuyện nhân sự là yếu tố then chốt cho một DN có thành công hay không. Vậy ông có đặt ra những tiêu chí cụ thể cho DN khi khởi nghiệp?

Ông Nguyễn Anh Ngọc: Khi khởi nghiệp thì việc đầu tiên cần xác định mục tiêu, tầm nhìn, chiến lược của dự án, công ty đó là gì? Mọi vấn đề khác trong đó có vấn đề đội ngũ nhân sự sẽ theo chiến lược đó mà làm theo chiến lược của công ty.

Nhưng ở công ty khởi nghiệp, nhất là thời kỳ khoa học công nghệ mới và thế giới phẳng như hiện tại thì đội ngũ nhân sự cần hội tụ mấy mấu chốt sau:

Chọn đúng nhân sự đúng chiến lược, đúng thời điểm và phù hợp với văn hóa công ty.

Nhân sự có tính sáng tạo, quyết đoán, xả thân vì công ty là rất cần thiết và quan trọng

Người lãnh đạo cần có chiến lược, chính sách đãi ngộ nhân sự theo đúng đạo lý, đủ luận lý và đầy tâm lý để cả tập thể sẽ ủng hộ, tin cậy và dấn thân vì chiến lược và mục tiêu của công ty.

PV:Ông đánh giá như thế nào về chiến lược Quốc gia khởi nghiệp và để đạt được mục tiêu “Quốc gia khởi nghiệp” chúng ta cần sự vào cuộc của cả hệ thống như thế nào?

Ông Nguyễn Anh Ngọc: Quốc gia khởi nghiệp là mục tiêu và chiến lược đúng đắn của chính phủ không chỉ hiện tại mà cần liên tục và mãi mãi. Để làm được việc này trong tình hình hiện tại, về nhân sự theo tôi cần có sự tham gia vào của Chính phủ, Doanh nghiệp và mỗi nhân sự như sau:

‘Chính phủ’ – Vĩ mô: Chính phủ cần phân tích quốc gia và nguồn lực quốc gia xem điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức của quốc gia mình so với các quốc gia trên thế giới để đưa ra mục tiêu, chiến lược, kế hoạch hành động cho Việt Nam. Đây là việc quan trọng nhất để một quốc gia khởi nghiệp, bởi chính phủ sẽ định hướng tầm vĩ mô cho các doanh nghiệp ‘vi mô’ và các nhân sự toàn quốc gia để tập trung phát triển lợi thế, cơ hội và chiến lược quốc gia mình.

‘Doanh nghiệp’ – Vi mô:

Đối với các doanh nghiệp hiện hữu, mỗi doanh nghiệp phải nhìn lại và phân tích chiến lược hiện tại của mình hàng năm, có chính sách thúc đẩy nhân sự cũ để họ ‘khởi nghiệp’ mới trong doanh nghiệp hiện tại hoặc tạo ra các dự án, công ty mới. Chủ doanh nghiệp nên tạo cơ chế, chế độ làm việc, đãi ngộ nhân viên hiện tại và thu hút nhân sự mới để phát huy nội lực của nguồn nhân lực sẵn có và thu hút nguồn lực mới.

Doanh nghiệp nên đầu tư vào việc phát triển nghiên cứu sản phẩm mới, công nghệ cao và công nghệ xanh để có sự khác biệt và giá trị gia tăng cao, bền vững.

Doanh nghiệp có chính sách cổ phần, cổ phiếu thưởng cho các nhân sự ‘khởi nghiệp’ ở các dự án mới để tạo sự gắn bó và thúc đẩy dự án mới phát triển nhanh.

Về mỗi nhân sự: Mỗi cá nhân, nhân sự cần phân tích bản thân và xây dựng mục tiêu, chiến lược và kế hoạch hàng động cho bản thân mình, làm chủ bản thân để có thể tự mình khởi nghiệp hoặc có thể khởi nghiệp cùng các cộng sự của mình tạo dựng một hệ thống, một công ty sản xuất, kinh doanh mới.

Hoặc khởi nghiệp ngay tại công ty, tổ chức hiện tại để tạo ra nhũng sản phẩm mới, kinh doanh mới khác biệt, có giá trị gia tăng cao để thúc đẩy dự án mới phát triển và thúc đẩy kinh doanh hiện hữu của công ty.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Anh Ngọc, 33 tuổi, tốt nghiệp cao học tại ISCID (Đại học Thương Mại Quốc Tế Dunkerque, Pháp) (2004 - 2007) về Quản trị kinh doanh quốc tế và Quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp liên doanh quốc tế.

Làm Giám Đốc, Trưởng Văn Phòng SPF/Aquativ (tập đoàn Diana Ingredients, Pháp) tại Việt Nam trong 8 năm.

Năm 2014, Nguyễn Anh Ngọc thành lập và phát triển công ty MFC Việt Nam chuyên sản xuất và phân phối các sản phẩm Peptides từ thủy sản dùng cho thức ăn chăn nuôi và thủy sản.

Năm 2015, Nguyễn Anh  Ngọc và một cộng sự khác thành lập công ty NAN Việt Nam chuyên đầu tư, sản xuất và phân phối các sản phẩm từ tự nhiên hướng tới thay thế các kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi.

Đầu năm 2016, công ty NAN Việt Nam và tập đoàn Nor - Feed, Pháp đã thành lập công ty Nor - Feed Việt Nam chuyên phân phối và sản xuất các thực vật & thảo dược trích ly để thay thế các kháng sinh và phụ gia trong thức ăn chăn nuôi và thủy sản.