Chưa cấm vì sợ ảnh hưởng đến doanh nghiệp

Chiều 5/9, phóng viên có cuộc trao đổi với ông Hồ Quang Huy, Phó chủ tịch thành phố Hạ Long, vị phó chủ tịch này cho biết: Sẽ rất khó để có thể đưa ra quyết định cấm ngay loại hình dịch vụ này vì nó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích của các doanh nghiệp đang kinh doanh du lịch, vì họ đã nhận rất nhiều đơn đặt hàng của du khách.

bienvinhhalongthanhphongtiecdisanbidatsauloiichdoanhnghiep_gpmv.jpg

Cũng trong ngày 5/9, ông Phạm Hồng Hà, Chủ tịch thành phố Hạ Long, kiêm Trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long đã thành lập đoàn kiểm tra, thị sát các khu vực hang động được Tiền Phong phản ánh. Sau 1 tiếng thị sát, đoàn kiểm tra đưa ra kết luận: Các dịch vụ tiệc tùng trong hang động không gây ảnh hưởng môi trường của di sản.

Theo đó, UBND thành phố Hạ Long sẽ có văn bản trình UBND tỉnh Quảng Ninh với nội dung: đề xuất được tiếp tục các hoạt động kinh doanh ăn uống, tiệc, biểu diễn nghệ thuật trong hang động trên vịnh Hạ Long đến hết năm 2016.

Ngày 1/9, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản đề nghị UBND thành phố Hạ Long kiểm tra, rà soát các dịch vụ ăn uống, tiệc tùng trong hang động và báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 5/9. Tuy nhiên, đến hết ngày 7/9, UBND tỉnh Quảng Ninh vẫn chưa có thông báo chính thức với các cơ quan báo chí về hiện trạng hay kết luận cuối cùng của loại hình dịch vụ này. Các cuộc họp vẫn diễn ra với quy mô nội bộ.

Cần một quyết định đúng đắn?

Trong buổi thị sát của Ban quản lý vịnh Hạ Long sáng 5/9, hiện trạng của các hang động cho thấy nhiều khu vực đang bị cơ giới hóa, những sàn gỗ rộng cả trăm mét vuông được xây dựng trên nền hang. Các vách đá cũng bị xâm phạm nghiêm trọng để đặt sân khấu cho các buổi tiệc. Ngổn ngang bàn ghế được dựng xung quanh vách hang động. Những bộ loa công suất lớn vẫn được trưng bày ngay cạnh cửa hang.

Quan sát kỹ hơn, thạch nhũ tại hang Trống gần như không có ánh phản quang. Nhiều khối thạch nhũ bị rêu phủ xanh bề mặt, số còn lại bị ám một màu đen. Nước từ trần hang nhỏ xuống sàn gỗ lênh láng.

Theo ông Phạm Văn Mãi, một ngư dân thường xuyên đánh bắt hải sản ở khu vực vịnh cho biết: “Trước đây, các núi đá ở vịnh Hạ Long có rất nhiều khỉ lông vàng xuất hiện ở các cửa hang vào buổi sáng. Nhưng từ lâu, ngay cả chim cũng không thấy đậu ở khu vực này chứ đừng nói đến khỉ lông vàng”.

Theo thông tin trên website chính thức của Ban Quản lý vịnh Hạ Long, nơi đây có hệ sinh thái (HST) hang động và là một HST đặc thù của vùng biển đá vôi vịnh Hạ Long. Môi trường sống trong hang động thường rất đặc biệt và gần như khác hẳn với môi trường ngoài (thiếu ánh sáng, độ ẩm không khí cao, nguồn thức ăn tự nhiên nghèo, nhiệt độ ổn định quanh năm) nên cấu trúc quần xã sinh vật nghèo hơn hẳn so với các HST khác trong khu vực.

Tuy nhiên, các loài sinh vật sống trong HST hang động lại có ý nghĩa rất quan trọng: vừa là mẫu vật sống để nghiên cứu quá trình tiến hóa của sinh vật, vừa mang đặc trưng của quá trình lịch sử tiến hóa hàng nghìn năm của quần thể các đảo đá vôi Hạ Long và phần lớn đều là những loài đặc hữu cho khu vực.

Đến nay, các nhà khoa học mới nghiên cứu và xác định được khoảng trên 20 loài động vật thường xuất hiện trong các hang động, trong đó, 2 loài cá và 6 loài giáp xác sống trong các vũng nước trong hang động được ghi nhận là các loại đặc hữu của vịnh Hạ Long.

Nhưng với những tác động trực tiếp của con người như hiện nay, mối lo về sự biến mất của các hệ sinh thái không phải là không có lý do. Cần một quyết định đúng đắn từ chính quyền để bảo tồn, phát triển di sản đặc biệt này./.

Từ năm 2005, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản cấp phép cho một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn được phép tổ chức các bữa tiệc tại hang động trong lòng di sản Vịnh Hạ Long. Trước thông tin báo chí phản ánh, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có đề nghị UBND TP Hạ Long báo cáo hoạt động dịch vụ tiệc tùng trong hang động. Tuy nhiên đã qua thời hạn nhưng đến hết ngày 7/9, UBND tỉnh Quảng Ninh vẫn chưa có thông báo chính thức với các cơ quan báo chí về hiện trạng hay kết luận cuối cùng của loại hình dịch vụ này. Các cuộc họp vẫn diễn ra với quy mô nội bộ.