Khu di tích Cổ Loa vốn có ý nghĩa đặc biệt ngay từ buổi đầu dựng nước của dân tộc ta, nó gắn với truyền thuyết An Dương Vương và câu chuyện Mỵ Châu -Trọng Thủy thấm đẫm bài học về sự cảnh giác trong bảo vệ đất nước.
Với tầm quan trọng đó, Sở Quy hoạch và Kiến trúc phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội bắt đầu triển khai đề án Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa.
Đền An Dương Vương. |
Bà Phạm Thị Nhân, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Quốc gia cho biết: “Chúng ta hướng đến xây dựng Khu di tích thành Cổ Loa trở thành công viên lịch sử sinh thái và nhân văn phù hợp với quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng phê duyệt. Khu di tích thành Cổ Loa đóng vai trò rất quan trọng trong không gian liên kết tuyến hành lang du lịch văn hóa cảnh quan Cổ Loa - sông Hồng - hồ Tây - Ba Vì và hành lang bảo tồn hệ thống di tích lịch sử quốc gia từ đền Hùng kéo dài đến Mê Linh, Cổ Loa, Hoàng thành Thăng Long, Sơn Tây, Thành cổ Luy Lâu…”.
Để quy hoạch đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân và đảm bảo tốt vấn đề bảo tồn di tích, bà Phạm Thị Nhân cho hay: “Chúng tôi lập quy hoạch này dựa trên phương pháp nghiên cứu rất mới. Đồ án lần này chúng tôi tiếp cận ở góc độ đa chiều, không chỉ quan tâm đến không gian vật thể hiện diện trong ranh giới nghiên cứu là 860ha mà còn đề cập cả những lớp thời gian để có các ứng xử hợp lý về những khu di tích vừa là biểu tượng của dân tộc và tiềm ẩn những giá trị lịch sử dân tộc to lớn, có những dân cư sinh sống qua nhiều thế hệ”.
Quy hoạch tổng thể Khu di tích Cổ Loa thành đã được nghiên cứu gắn kết với định hướng phát triển không gian Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050, đồng thời lồng ghép quan niệm mới trong công tác bảo tồn di tích cộng đồng, nhu cầu gắn kết giữa bảo tồn và phát triển.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng: “Đề án bảo tồn tôn tạo tổng thể và phát huy khu di tích đặc biệt thành Cổ Loa là một trong những đồ án quy hoạch đầu tiên của nước ta được thực hiện theo một quy trình chặt chẽ, có nội dung toàn diện ở cả hai lĩnh vực bảo tồn và phát triển trên một nền tảng nghiên cứu sâu sắc và có tính mới, nên đề án đã thể hiện được tầm nhìn khoa học đúng đắn và sâu sắc về những đặc thù, đặc trưng về khu di tích thành Cổ Loa trong mối quan hệ hữu cơ các giá trị sinh thái và nhân văn”.
Sự vào cuộc của các bộ, ngành và các đơn vị hữu quan trong bảo tồn di tích Cổ Loa đã đem lại niềm vui, hứng khởi đối với người dân nơi di tích và nhân dân Thủ đô. Ông Nguyễn Văn Thơ, thành viên Ban Quản lý di tích Cổ Loa chia sẻ: “Thành Cổ Loa là một trong những kinh đô của hai thời kỳ: Vua Thục An Dương Vương và vua Ngô Quyền. Cổ Loa là một trong những thành hiếm có trên thế giới, tính cả Đông Nam Á. Tuy thành được xây bằng đất nhưng rất đồ sộ và có trình độ cao cả về mặt chiến thuật và mỹ thuật nên hiện nay nhân dân luôn bảo vệ và giữ gìn để thành không mai một. Nay được Đảng, Nhà nước quy hoạch để xây dựng, tôn tạo thì người dân rất phấn khởi”.
Hòa với niềm vui di tích được đầu tư bảo tồn và phát triển, ông Nguyễn Văn Thơ vốn đã tích cực giáo dục cho con cháu và thế hệ trẻ trên quê hương di tích, nay càng có thêm động lực mới để làm tốt hơn công tác này. “Chúng tôi thường xuyên giáo dục con cháu làm sao giữ gìn lấy bản sắc dân tộc của mình, đặc biệt những thành quách, đình, đền, miếu mạo, nhân dân chúng tôi đều có trách nhiệm tự giác chấp hành, làm sao bảo tồn, phát huy được giá trị của lịch sử. Các cháu không đứa nào dám xâm phạm đình đền miếu mạo cả, đây là ý thức rất tốt của nhân dân chúng tôi”.
Quy hoạch tổng thể bảo tồn khu di tích Cổ Loa được triển khai mang thêm niềm vui và hy vọng cho một Hà Nội cổ kính, linh thiêng và hào hoa./.