Hàng năm, mỗi gia đình người Dao quần chẹt ở Hoà Bình đều chọn  một ngày đẹp trong tháng chạp để tổ chức “buá nháng” hay còn gọi là lễ tổng kết cuối năm. Trong lễ búa nhnáng, gia chủ sẽ chuẩn bị củi, rượu, thịt, gạo nếp.

Tại nhà Tổ của dòng họ phải chuẩn bị một con lợn để làm lễ dâng lên tổ tiên. Đây là bữa cơm quan trọng tổng kết một năm cũ để đón năm mới về nên gia chủ phải chuẩn bị chu đáo từ đồ cúng đến nghi thức mời ông bà tổ tiên.

Trong lễ cúng này bắt buộc phải mời bốn thầy cúng tương ứng với bốn ban bệ và mâm lễ khác nhau. Ban thờ của người Dao quần chẹt được làm bằng gỗ tốt, được trạm trổ những con vật linh thiêng và có ba tầng: Thượng, Trung; Hạ.

Sau khi cúng mời gia tiên xong gia chủ tổ chức bữa cơm mời anh em họ hàng đến hưởng lộc. Sau khi bủa nhnáng, gia chủ phải thắp hương sáng, tối trên bàn thờ đến rằm tháng riêng mới thôi.

Trong đêm 30 tết, lễ vật thắp hương của các gia đình người Dao quần chẹt có con gà trống đỏ được cắt tiết, lấy tiết gà trộn lẫn với gạo nếp, đem luộc chín để lên ban thờ, bà con gọi lễ vật này là “Chè Zúa”. Trong đêm 30, gia chủ chuẩn bị thêm một cái nỏ, gồm 7 tên.

Gia chủ chuẩn bị một con hươu hoặc một con gấu bằng bù nhìn. Chuẩn bị một bó hoa hái trong thiên nhiên, ba cục đá, hai cục đất bằng nắm tay, để sẵn theo hướng mình đã định. Đúng 12 giờ kém 30 phút, phải thắp hương thỉnh 3 lần các vị thần linh về phù hộ. 

Ngay khi khấn xong, gia chủ xin tổ tiên hạ lễ vật, chế biến ăn sớm. Bữa cơm này chỉ nguyên gia đình ăn, để hưởng lộc trước. 
Theo phong tục của người dao quần chẹt, suốt mồng 1 và mồng 2, đồng bào Dao thường đi hết các nhà trong bản để chúc tết nhau. Ngày mồng 3 tết gia chủ sẽ mời tổ tiên về rừng, làm lễ hoá vàng. Cũng trong sáng mồng 3 tết, cả làng đi quét dọn miếu.
Theo văn hoá tín ngưỡng của đồng bào Dao quần chẹt ở Hoà Bình, khi đến vùng đất mới đồng bào lập làng thì phải lập miếu thần thánh hay còn gọi là chúa làng bản địa. Họ đến đây xin các vị thần linh phù hộ năm mới may mắn, làm ra nhiều của cải.
Khi đến đây đồng bào sẽ mang  theo một đấu gạo và rượu thịt để góp lễ cúng và chúc tụng ăn uống vui tươi, gắn kết cộng đồng rất cao. Buổi chiều các thanh niên trong làng sẽ tổ chức giao lưu thể thao, còn các cô gái rủ nhau học thêu thùa váy áo chuẩn bị cho tết năm sau.

Tết của người Dao quần chẹt Hoà Bình xưa và nay đều giữ đuợc các nghi lễ truyền thống. Đây là nét đẹp văn hoá có ý nghĩa tâm linh sâu sắc được các thế hệ gìn giữ, lưu truyền./.