Chiều nay (19/5), trong khuôn khổ phiên họp toàn thể lần thứ 7 tại TP Huế, Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới Khu vực châu Á- Thái Bình Dương (MOWCAP) đã công bố danh sách các di sản được ghi danh Di sản Tư liệu Thế giới Khu vực châu Á- Thái Bình Dương.

ds234_kjpt.jpg
“Mộc bản trường học Phúc Giang” được đánh giá rất có giá trị trên nhiều phương diện.
Có 16 hồ sơ của 10 nước đệ trình tại kỳ họp lần này gồm: Trung Quốc có 4 hồ sơ; Việt Nam, Hàn Quốc, Malaysia mỗi nước đều có 2 hồ sơ; các nước Uzbekistan, Nhật Bản,Singapore, Iran, Myanmar và Mông Cổ mỗi nước có 1 hồ sơ.

Trong đó, MOWCAP ghi danh 14 hồ sơ là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới Khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Cả 2 hồ sơ của Việt Nam gồm: “Thơ văn trên Kiến trúc cung đình Huế” và “Mộc bản trường học Phúc Giang”, tỉnh Hà Tĩnh đều được ghi danh.  

"Thơ văn trên Kiến trúc cung đình Huế" được các chuyên gia đánh giá xuất sắc nhất trong tất cả các hồ sơ được đề cử lần này.
Hồ sơ "Thơ văn trên Kiến trúc cung đình Huế" được các chuyên gia đánh giá xuất sắc nhất trong tất cả các hồ sơ được đề cử lần này. Đây là những di sản tư liệu độc đáo, là những bản gốc, duy nhất hiện chỉ còn ở Việt Nam và có giá trị nổi bật toàn cầu.

“Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” là một phong cách riêng trong trang trí kiến trúc cung đình, chưa thấy xuất hiện ở những nơi khác trên thế giới. Hệ thống di sản thơ văn này thật sự là một bảo tàng sống động, độc đáo, riêng có về văn chương thời Nguyễn.

“Mộc bản trường học Phúc Giang” cũng được đánh giá rất có giá trị trên nhiều phương diện. Điểm đặc biệt của di sản này là liên quan đến giáo dục ở một làng quê xa kinh thành, là khối mộc bản duy nhất về văn hóa, giáo dục của một dòng họ được lưu giữ ở Việt Nam hơn 250 năm.

Bà Vũ Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á- Thái Bình Dương cho biết, đây là sự nỗ lực, cố gắng chung tay của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cũng như của dòng họ Nguyễn Huy ở Hà Tĩnh.

“Tổ chức và các cá nhân đã rất tích cực trong việc khai hồ sơ di sản với Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới nên lần đầu tiên 2 hồ sơ của Việt Nam được công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới Khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Ban Chấp hành Ủy ban đánh giá rất cao việc xây dựng hồ sơ của Việt Nam, đó là căn cứ hết sức thuyết phục để Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới Khu vực châu Á- Thái Bình Dương công nhận 2 di sản ngày hôm nay”, bà Hương cho biết.

Trước đó, Việt Nam đã có 4 di sản được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới và Khu vực châu Á- Thái Bình Dương gồm: “Mộc bản triều Nguyễn” và “Bia tiến sĩ triều Lê - Mạc” là Di sản Tư liệu Thế giới; “Châu bản triều Nguyễn” và “Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm” là Di sản Tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới Khu vực châu Á - Thái Bình Dương./.