Triển lãm tài liệu lưu trữ “Triều Nguyễn với việc biên soạn chính sử qua Châu bản, Mộc bản- Di sản tư liệu thế giới” đang diễn ra tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Hà Nội) thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu và công chúng. Hoạt động này không chỉ góp phần tôn vinh giá trị của di sản tư liệu của thế giới Châu bản, Mộc bản mà còn khẳng định sự đóng góp và thành quả của triều Nguyễn trong việc biên soạn chính sử. Triển lãm cũng nhằm quảng bá, phát huy giá trị và đưa hai di sản tư liệu đến gần hơn nữa với công chúng. 

Triển lãm “Triều Nguyễn với việc biên soạn chính sử qua Châu bản, Mộc bản- Di sản tư liệu thế giới” giới thiệu trên 100 phiên bản tài liệu chọn lọc từ hai khối Châu bản và Mộc bản triều Nguyễn đang được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Hà Nội) và Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (Đà Lạt, Lâm Đồng). Đây là những tài liệu đặc sắc, phản ánh rõ nét và xác thực về sự quan tâm và chủ trương của các vị vua triều Nguyễn đối với việc biên soạn chính sử.

04_12_mb_pyqp.jpg
Bản dập Mộc bản ghi chép về việc Vua Tự Đức khen thưởng cho các Sử thần ở Quốc sử quán.

Ông Hà Văn Huề, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cho biết: Một trong những đặc trưng nổi trội và tiêu biểu của di sản tư liệu trong triển lãm lần này so với các di sản khác là ở chỗ bản thân di sản chứa đựng thông tin trong đó. Châu bản, Mộc bản đều chứa đựng những thông tin gốc và phong phú về lịch sử, địa lý, chính trị-xã hội, pháp chế, văn hóa-giáo dục, văn thơ, ngôn ngữ… phản ánh khá rõ nét bức tranh đời sống xã hội và con người Việt Nam trong 143 năm, từ năm 1802 đến 1945.

"Việc biên soạn sách sử triều Nguyễn rất chuyên nghiệp, rất quy mô, bài bản, tỷ mỉ, thận trọng để lại cho đời sau những kết quả rất đáng ghi nhận. Những tư liệu Mộc bản, Châu bản một lần nữa khẳng định đóng góp và thành quả của triều Nguyễn đối với việc biên soạn những tác phẩm kinh điển ví dụ như: “Đại Nam thực lục”, “Đại Nam Hội điển sự lệ”, “Minh Mệnh chính yếu”… Triều Nguyễn là một triều rất thành công, rất nổi trội đối với việc biên soạn chính sử trong nền sử học của chế độ quân chủ", ông Huề nói.

Mỗi phiên bản tài liệu Châu bản, Mộc bản trưng bày tại triển lãm được giới thiệu tóm tắt về nội dung, xuất xứ và nơi bảo quản. Qua đó đánh giá một cách khách quan hơn vai trò, vị trí và công lao của triều Nguyễn đối với lịch sử dân tộc. Triển lãm lần này cho thấy, từ thời vua Gia Long đến vua Minh Mệnh, ông cha ta đã đặc biệt chú trọng đến việc  biên soạn lịch sử và làm sử theo một quy trình chặt chẽ, từ các cơ quan biên soạn đến tổ chức nhân sự và sưu tầm, khai thác về mặt tư liệu. 

PGS- TS Nguyễn Công Việt, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia cho biết: "Tư liệu tại triển lãm thể hiện sự quan tâm của triều đình nhà Nguyễn đối với việc nghiên cứu, bảo quản sách sử, việc tổ chức cơ cấu trong Quốc sử quán triều Nguyễn; việc biên soạn, in ấn thực hiện một cách rất khoa học mang ý nghĩa chính thống, quan phương. Việc làm sử, sách đối với xã hội văn hóa hiện nay là rất quan trọng, Triển lãm tư liệu Mộc bản và Châu bản triều Nguyễn khẳng định hơn nữa giá trị lịch sử trong việc nghiên cứu văn hóa Việt Nam".

Ngoài giá trị đóng góp đối với việc tổ chức, nghiên cứu và biên soạn lịch sử đất nước, Châu bản, Mộc bản triều Nguyễn còn là kho tư liệu quan trọng liên quan đến việc xác lập chủ quyền biển đảo của dân tộc, trong đó có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vì vậy, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu tư liệu Mộc bản, Châu bản tới công chúng trong thời điểm hiện nay có ý nghĩa thời sự chính trị rất lớn. Đây là nguồn tài liệu cực kỳ quý giá, chúng ta cần khai thác tích cực hơn, hiệu quả hơn trong việc phát triển những lĩnh vực khoa học, đặc biệt là gắn liền với việc bảo vệ Tổ quốc. PGS.TS Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam cho rằng: Việc tổ chức giới thiệu các triển lãm như thế này cần phải làm thường xuyên hơn, quảng bá rộng rãi không chỉ ở Việt Nam mà còn ra cả thế giới.

Mộc bản và bản dập bìa sách "Đại Nam thực lực tiền biên".

PGS.TS Lâm Bá Nam cho biết: "Tôi cho rằng đây là một triển lãm rất hay, rất hấp dẫn không chỉ đối với các nhà nghiên cứu mà còn đối với công chúng. Vì thế, theo tôi có lẽ trong tương lai mà không nên để quá xa, cần phải quảng bá rộng rãi cái này thậm chí đưa cái này vào trong chương trình dạy học lịch sử. Nếu thế hệ trẻ được tiếp cận thường xuyên, rộng rãi thế này thì đây là cơ hội để chúng ta đưa môn sử vào trong đời sống xã hội".

Sau trưng bày Mộc bản về Trường Sa, Hoàng Sa và triển lãm tư liệu lưu trữ “Triều Nguyễn với việc biên soạn chính sử qua Châu bản, Mộc bản” được dư luận đánh giá cao, trong thời gian tới, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Hà Nội) và Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (Đà Lạt, Lâm Đồng) sẽ tiếp tục tuyên truyền, giới thiệu giá trị của 2 di sản này theo những chủ đề khác để công chúng biết thêm về những tư liệu lịch sử của cha ông để lại, góp phần khẳng định tính độc đáo, tính xác thực, tính duy nhất và tầm ảnh hưởng quốc tế của những di sản tư liệu mang tầm thế giới này./.