Sáng nay (8/10), trong cuộc Họp báo thường kỳ quý III năm 2019, ông Nguyễn Thái Bình, Chánh văn phòng Bộ VHTT&DL đã trả lời những câu hỏi của phóng viên về việc xây dựng công trình 7 tầng trên đèo Mã Pì Lèng đang gây xôn xao dư luận. 

vov_5187_qcsk.jpg
Ông Nguyễn Thái Bình, Chánh văn phòng Bộ VH-TT&DL đã có những trao đổi với báo chí về việc xây dựng công trình Paronama trên đèo Mã Pì Lèng. 

Người phát ngôn của Bộ cho biết ngày 4/10 Cục Di sản văn hóa đã có thông cáo báo chí về công trình xây dựng trái phép ở Mã Pì Lèng. Cụ thể là vị trí của công trình Mã Pì Lèng Paronama không thuộc khu vực khoanh vùng bảo vệ khu vực I và khu vực II của di tích, không phải công trình bảo vệ và phát huy giá trị của di tích, do đó, phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật về xây dựng và quy định của chính quyền địa phương, tức tỉnh Hà Giang.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 36 Luật Di sản văn hóa: Khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích quy định tại Điều 32 của Luật này mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường – sinh thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch.

Nhưng đến thời điểm hiện tại, Bộ VHTT&DL vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản nào của tỉnh Hà Giang đề nghị có ý kiến thẩm định đối với công trình xây dựng tại khu vực đèo Mã Pì Lèng.

Về việc xử lý công trình, ông Bình cho biết hôm nay (8/10), Cục Di sản văn hóa đã cử đoàn lên kiểm tra thực tế để có biện pháp, hình thức để bảo vệ tốt danh lam thắng cảnh quốc gia. "Để xảy ra sự việc hiện nay là trách nhiệm thuộc về tỉnh Hà Giang. Nhà chúng ta cần sửa rất nhỏ ngay lập tức chính quyền hỏi ngay. Công trình xây 7 tầng không thể không biết được”, ông Bình đặt câu hỏi.

Chánh văn phòng Bộ VHTT&DL cũng cho biết, tỉnh Hà Giang đồng ý xây dựng điểm ngắm cảnh, chặng dừng chân ngắm cảnh cho du khách và đã có văn bản khuyến cáo về nguyên liệu, thiết kế công trình phù hợp với cảnh quan. Nhưng trong quá trình thực thi, chủ đầu tư thực hiện sai chỉ đạo của chính quyền địa phương, cố tình vi pháp luật.

Công trình Paronama trên đèo Mã Pì Lèng. 

Người phát ngôn của Bộ nhấn mạnh: Quan điểm của Bộ là cho dù doanh nhân, doanh nghiệp hay bất cứ thành phần nào cũng phải thực hiện nghiêm theo pháp luật. Những công trình có tính chất khuyến khích, thúc đẩy du lịch phát triển nhưng không tuân thủ quy định pháp luật, Bộ VHTT&DL không ủng hộ.“Chúng ta phải có biện pháp, hình thức bảo vệ tốt nhất danh lam thắng cảnh quốc gia Mã Pì Lèng”. 

Về thông tin chủ đầu tư dọa nhảy xuống sông Nho Quế tự tử,ông Nguyễn Thái Bình bày tỏ:"Không nên lôi sinh mệnh của cá nhân tạo áp lực ngược với luật pháp. Khi sai thì nhận thức cái sai để khắc phục sửa chữa, doanh nghiệp khi vi phạm pháp luật không thể bắt xã hội gánh chịu”. 

Đại diện Tổng cục Du lịch, ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng cũng nêu ý kiến: "Điểm du lịch trên đèo Mã Pì Lèng có yếu tố hấp dẫn, đáp ứng được nhu cầu thăm quan của du khách. Tổng cục Du lịch khuyến khích ngành du lịch đầu tư sáng tạo, phát triển điểm du lịch mới. Tuy nhiên, các điểm du lịch phải được xây dựng trên cơ sở quy hoạch, phải tuân thủ pháp luật về trình tự và pháp luật"./.