Chùa Ba Đồn (nằm trên đường Tam Thai, phường An Tây, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) có lẽ là một trong những ngôi chùa đặc biệt nhất cả nước. Tên là chùa Ba Đồn vì trong 3 khu nghĩa địa chính của chùa đều có đàn giải oan cho các âm linh gọi là Tam Đàn, người dân thường gọi là Ba Đồn cho dễ nhớ.

Ngôi mộ tập thể lớn nhất nước

Trên ba nghĩa địa rộng có các bia mộ, trên mỗi bia đều khắc dòng chữ “Ân Tứ Hiệp Tán Vô Tư Chi Mộ” có nghĩa là “Vua ban cho chung những mộ hoang vô chủ”.

093947-1.jpg
Tấm bia có chữ "Vua ban chung cho hàng ngàn nấm mộ vô danh, vô chủ". 

Ba nghĩa địa chính trong khuôn viên chùa Ba Đồn rộng hàng vạn mét vuông, chôn hàng ngàn người chết. Theo ông Phạm Nguyên (72 tuổi, đời thứ 3 sống trong chùa Ba Đồn), chùa có Tam đàn ngũ trảu (Ba nghĩa địa lớn, năm nghĩa địa nhỏ - PV).

“Có khoảng 10.000 âm hồn, đồn thứ nhất có 3.800, đồn thứ hai có 3.700, đồn thứ 3 có 2.550 mồ. Còn ngũ trảu thì không biết số lượng cụ thể”, ông Nguyên cho biết.

Cũng theo ông Nguyên, khu vực Tam Thai là vùng đất núi rừng heo hút. Vì vậy, vua Gia Long tập hợp các mộ hoang vô chủ về mảnh đất này chôn và lập am thờ cúng.

Trong quá trình chôn, vua ra lệnh không làm nấm mà cho xây thành xung quanh vì ngăn mất xác. Từ đó, các đời vua Nguyễn đều có mang hoang mộ đến địa điểm kể trên để an táng.

Dưới mảnh đất bằng phẳng, cỏ mọc xanh rờn này là một ngôi mộ tập thể lớn nhất cả nước.

“Từ thời vua Gia Long chưa có tên Tam Đàn, mà Tam Đàn được hình thành vào các đời vua sau này”, ông Nguyên giải thích.

Hơn nửa thế kỷ trông giữ ngôi chùa Ba Đồn, ông Nguyên cho biết, trải qua bao đợt nắng mưa, các khu nghĩa địa trở nên phẳng lì, cỏ mọc xanh rì. Chùa Ba Đồn được xem là nơi có mộ tập thể lớn nhất nước ta vì có thời gian quy tập mộ về đây diễn ra suốt trong suốt thời gian dài.

Chùa không có tu sĩ

Theo ông Nguyên, buổi sơ khai vua Gia Long cho quy tập các mộ vô chủ rồi lập am để thắp nhang và sau đó lập điện thờ Ba Đồn. Năm 1957 điện thờ Ba Đồn được trùng tu và mở rộng.

Giai đoạn 1958 - 1960, điện thờ trải qua cuộc đại trùng tu và xây dựng thêm các công trình như hồ sen, tiền đường, nhà tăng, đúc tượng… rồi khánh thành chùa và do ông Võ Công Đồng làm Trưởng ban kiến thiết.

Hệ thống thành được xây quanh khu mộ tập thể để hài cốt người không bị mất. 

Theo tìm hiểu, hằng năm triều đình đều lập đàn tế lễ tại chùa vào xuân Tế, thu Tế. Sau đó phổ thiện nguyện được lập ra để lo việc chùa, họ lấy ngày 23/5 Âm lịch làm ngày kỵ chung của chùa với ý nguyện cầu cho các âm linh được siêu thoát.

Người dân cũng thường đến chùa để thắp nhang và xin xăm may mắn. Trước đây, ống xăm của chùa Ba Đồn được đặt trong Quan Minh điện để công chúa, quan lại đến xin xăm. Sau đó, vào năm 1945, đức bà Từ Cung (mẹ vua Bảo Đại) đem lên tôn trí ở chùa Ba Đồn để người dân xin xăm.

Từ khi chùa có ống xăm, nhân dân có việc cần đều lên chùa để cầu nguyện và rút xăm may mắn. Có nhiều người đến xin xăm và thấy linh nghiệm còn mang ơn mà quay về chùa đóng góp tiền bạc để chăm lo hương khói, thờ tự.

Điều đặc biệt ở ngôi chùa này đó là chùa không có tu sĩ mà chỉ có cư sĩ. Điều này được ông Nguyên giải thích rằng, vua lập chùa rồi cho cư sĩ vào ở để thờ phụng là chính, việc ăn uống, cúng cấp có thể dùng đồ mặn. “Ngày xưa cúng tam sanh là cúng mặn, vì không cúng chay toàn diện nên không có tu sĩ” - ông Nguyên nói.

Cổng vào chùa Ba Đồn 

Mảnh đất linh thiêng

Dưới mảnh đất phẳng lỳ, cỏ mọc xanh rờn là nơi an nghỉ của hàng chục ngàn linh hồn của những người vô danh nên dân địa phương tin rằng chùa Ba Đồn là ngôi chùa rất linh thiêng. Người dân đồn nhiều câu chuyện được xem là lạ và khó giải thích đã từng xảy ra tại ngôi chùa này.

Theo lời kể của quản tự, năm 1975, tất cả dân chúng như: bác sĩ, sinh viên, thanh niên… được tập trung để đi xây thủy điện Nam sông Hương (cách chùa khoảng 800m).

Ban ngày họ làm trên công trình, đến tối họ tập trung vào chùa và tổ chức cắm trại để sinh hoạt, nghỉ ngơi trên 3 đồn đó.

“Vì họ thấy đất bằng phẳng nên lên cắm trại. Đến nửa đêm, thì có vài người hò hét, chạy vào chùa và nói có đoàn người đến đánh đuổi họ, không cho họ ở, họ kêu rằng đó là ma. Đến sáng, họ dỡ trại đi nơi khác”, quản tự chùa Ba Đồn thông tin.

Ông Lê Viết Dũng (58 tuổi, người dân sống đối diện chùa Ba Đồn) cho biết: “Bây giờ chùa Ba Đồn ít linh thiêng hơn chứ trước đây chùa rất linh. Sau giải phóng có nhóm người lên cắm trại ở nghĩa địa, đến tối thì có một thanh niên bị điên, đi ngẩn ngơ giữa đêm. Sau đó đi khám thì không có bệnh tật gì và được đưa về nhà. Khi nhà đến chùa cúng bái khoảng 2 đêm thì hết bệnh”.

Sau giải phóng, có một đoàn chiếu phim đi khắp nơi chiếu phim cho dân chúng xem đến chùa Ba Đồn thấy chùa rộng nên đoàn chiếu phim trong khuôn viên chùa. Khi đến giờ chiếu phim, máy nổ bỗng dưng trở chứng không hoạt động dù thợ máy sửa hoài. Khi đoàn chuyển đi ra chỗ khác thì máy lại hoạt động ngon lành.

Do thấy mảnh đất bằng phẳng ít ai biết đó là ngôi mộ tập thể nên nhiều người chọn đó là chỗ để vui chơi giải trí và xảy ra những chuyện khó lý giải. 

“Do không làm nấm nên người lạ nhìn vào cứ tưởng đó là khoảng đất trống. Vài năm trước, có đám trẻ con mang quả banh lên mảnh đất này để đá bóng. Khi đang chơi thì có đứa trẻ bị ngã gãy chân. Có thể do trùng hợp rủi ro nhưng người ta chú trọng tâm linh nên nói rằng bị ma xô ngã”, ông Nguyên chia sẻ.

Ông Trần Ngọc Huy (59 tuổi) - Tổ trưởng tổ 8, khu vực 4, phường An Tây) cũng cho rằng chùa Ba Đồn rất linh thiêng. Ông Huy cho rằng, ngôi chùa Ba Đồn linh thiêng kể từ sau khi thất thủ kinh đô cho đến bây giờ.

Được biết, năm 2006, khu di tích lịch sử nghĩa địa và chùa Ba Đồn được công nhận là di tích cấp tỉnh. Hiện nay, đất đai đã chật, không thể làm nơi chôn cho các linh hồn được nữa./.