Cuộc sống của người lính biển là sóng to, gió lớn, là những cơn bão biển dữ dội, là nỗi nhớ người thân, nhớ đất liền, là những cái Tết lênh đênh trên biển… Gần 30 năm gắn bó với biển, với con tàu, Trung tá Vũ Đình Vinh- Hải đội trưởng Hải đội 113, Lữ đoàn 170 vùng 1, Quân chủng Hải quân- tâm sự: chính quá trình rèn luyện không ngừng và tình yêu biển cả đã giúp anh luôn vững vàng quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Năm 1988, đang là học viên của Học viện Hải quân, anh đã bắt đầu tham gia chiến dịch Trường Sa, ra vùng DK1, và DK2, liên tục 4 chuyến hải trình công tác, rồi sau đó tham gia lực lượng tuần tra ở Trường Sa.

vu-dinh-vinh.jpg
Trung tá Vũ Đình Vinh đã 28 năm gắn bó với biển

Gương mặt sạm đen, rắn rỏi vì sương gió, ánh mắt trung tá Vinh vô cùng kiên định: “Những năm đó, trang thiết bị kỹ thuật của tàu không hiện đại như bây giờ, nên gặp rất nhiều khó khăn khi đi biển. Không thể kể hết vất vả của những ngày xây dựng ngoài Trường Sa. Nhưng được rèn luyện với ý chí quyết tâm cao, tôi và anh em luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao.”

Trung tá Vũ Đình Vinh kể, có một lần tàu Vạn Hoa 791 của đơn vị do anh làm thuyền trưởng được cử đi làm nhiệm vụ ngoài đảo ở Trường Sa. Lần đó, sóng to gió lớn quá khiến tàu phải lênh đênh trên biển nửa tháng trời. “Theo kế hoạch là chỉ đi 15 ngày, mang vật liệu để sửa lại nhà giàn DK1, vì trước đó có 1 nhà giàn bị đổ. Cuối cùng do điều kiện sóng to, bên thi công cũng chưa thi công được, nên phải kéo dài mất 1 tháng. Trên biển sóng to gió lớn, lúc đó lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm cả của lực lượng dân sự và trên nhà giàn cũng gần như cạn kiệt. Nhưng anh em vẫn xác định phải hoàn thành được nhiệm vụ thì mới về.”

Sự hung dữ của biển cả, khốc liệt của những cơn bão, cộng thêm môi trường quân đội và cuộc sống đa phần lênh đênh trên biển đã rèn luyện cho trung tá Vũ Đình Vinh bản lĩnh vững vàng, tính cương nghị và sự quyết đoán. Công việc của một người thuyền trưởng là vô cùng quan trọng, liên quan đến sự sống còn của chiến sĩ và con tàu. “Dù có khó khăn gian khổ đến đâu cũng phải cố gắng vượt qua. Bản thân mình phải vững vàng và quán triệt cho cán bộ chiến sỹ trong đơn vị bản lĩnh chính trị vững vàng, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ, nêu cao tinh thần cảnh giác, nắm chắc mục tiêu trên biển để bảo vệ tốt chủ quyền biển đảo.”- anh tâm niệm.

Những cái Tết xa nhà, anh và những cán bộ lâu năm làm chỗ dựa tinh thần cho anh em lính trẻ. Tết Nguyên đán năm 1995, anh và đồng đội nhận nhiệm vụ bảo vệ khu vực phía nam đảo Bạch Long Vĩ của Hải Phòng, cách đất liền khoảng 40 đến 50 hải lý. “Lúc đó chưa có cảng, sóng gió bão cấp 7 cấp 8, nên cứ lênh đênh trên tàu, không cập bờ được. Sau đó đến mùng 5 mùng 6 Tết gió êm hơn mới vào được bờ. Bà con ở đảo vẫn để phần bánh trưng, quà Tết cho anh em chiến sĩ…”.

Anh kể về một kỷ niệm không quên, năm 1998, anh và đồng đội được giao nhiệm vụ cấp cứu tàu chở than Sông Lam 08. Con tàu đang trên biển bị mất lái, đành thả trôi trong điều kiện gió mùa Đông Bắc cấp 6- cấp 7, có mưa mù. Khi tàu Hải quân Vạn Hoa 791 tiếp cận và kéo tàu, mọi việc cũng không hề đơn giản. Trong quá trình kéo, đã 3 lần bị đứt dây. Tàu Hải quân vẫn kiên trì, kéo tàu Sông Lam vào cửa Hội, bàn giao an toàn. Đợt đó, cán bộ chiến sĩ tàu Vạn Hoa 791 được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Một trong những nhiệm vụ của chiến sĩ Hải quân là giúp bà con ngư dân bám biển, khai thác kinh tế biển, cũng là thể hiện chủ quyền của Tổ quốc trên biển. Các anh chuẩn bị tờ rơi, tài liệu để phát cho bà con và cũng thuộc lòng những kiến thức để tuyên truyền cho bà con về các khu vực trên biển: khu vực nào là khu vực đánh cá chung, khu vực nào thuộc chủ quyền của Việt Nam; khu vực nào được thả lưới rê... Anh cùng đồng đội nhắc nhở bà con khi ra biển mang theo các loại giấy tờ cần thiết, khi phát hiện các tàu cá nước ngoài vào khu vực đánh cá chung của Việt Nam thì thông tin cho lực lượng vũ trang của Việt Nam, để tham mưu đề xuất cho chỉ huy ở trên có biện pháp quản lý, bảo vệ chủ quyền. Có các anh cùng lực lượng Biên phòng, Cảnh sát biển; bà con ngư dân ra biển yên tâm hơn, vì biết sẽ có trợ giúp nếu không may tàu bè hỏng máy, thiếu lương thực thực phẩm hay nước ngọt, hay nếu bị ốm bệnh trên biển.

Với những người lính Hải quân, con tàu chính là ngôi nhà. Bởi vậy, những cái Tết ở nhà, những bữa cơm gia đình đầm ấm cùng vợ con vô cùng hiếm hoi. Anh tâm sự, vợ anh là giáo viên. Bộ đội- giáo viên thường có sự đồng cảm và tình yêu bền chặt. “Tôi biết, ở nhà, vợ con rất hay mong ngóng chồng, cha về. Vợ nhiều khi một mình, cũng buồn, âm thầm, mọi lo toan gia đình đều dồn lên đôi vai vợ… vì thế cũng động viên an ủi vợ vì nhiệm vụ chung, cố gắng ở nhà chăm sóc các con, coi như cũng đã đóng góp một phần công sức cùng chồng bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”./.