Ca khúc này được báo chí nhận xét là một cảm xúc chân thành, bám sát đời sống đảo xa. Dưới đây là những tâm sự của Nguyễn Lê Tâm, trên trang nhật ký điện tử của anh, về hoàn cảnh đã tạo nên cảm xúc dạt dào để anh viết nên "Đồng hương Trường Sa của tôi". Được sự đồng ý của tác giả, VOV online xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Dự định viết ca khúc về Trường Sa đã nâng lên đặt xuống từ lâu, nhưng rồi không thể bắt đầu. Những cấu tứ về biển đảo chưa vượt quá những khuôn thước cũ của âm nhạc và ca từ "hô phong hoán vũ". May mắn bất ngờ là mình lại được chọn đi Trường Sa. Thật không thể tin được. Mình quyết nhanh: ra đảo hãy viết !. Không có gì đáng giá bằng đưa chính đời sống thực vào âm nhạc.

Sau hai ngày hai đêm lênh đênh trong sóng lớn, trời nước mịt mù xám xịt thì con tàu cũng đến gần quần đảo ruột thịt. Hải đăng đảo Đá Lát xuyên màn đêm như tiếng gọi. Thuyền phó Thành bảo:  Qua đảo này là đến đảo Trường Sa Lớn. Phải thức mà đợi, chứ ngủ mất thì hỏng.

Thành đưa tàu đi Trường Sa nhiều, nhưng lần nào nhìn thấy đảo cũng hồi hộp như lần đầu.

Rồi tờ mờ sáng thì Trường Sa lớn cũng hiện ra. Chân trời kẻ ngang một đường, nhìn kỹ mới thấy ngọn hải đăng nhô cao trên một vệt mờ. Nhìn gần thế nhưng phải rất lâu thì mới vào được tới bờ.

x-thuy-thu-doan.jpg
Thủy thủ doàn HQ 622

Thuyền trưởng Hồ Chiến Thắng bảo: Việc cập bến ngoài việc khớp với kế hoạch, còn phải tính đến yếu tố biển động nữa. Sóng lớn quá có thể ném cả con tàu vào cầu cảng sẽ móp tàu. Thời điểm thích hợp là lúc sáng bạch. Các sĩ quan chỉ huy boong như Cường, Đàm mặc áo phao da cam để phối hợp với bờ. Đây là khoảnh khắc mà đoàn công tác háo hức nhất.

Đảo chỉ còn cách một bước chân thôi. Sóng thì lớn nhưng nước vẫn trong xanh đến đáy. Bao quanh đảo là những bụi cây bão táp xanh ngắt. Sát cầu tàu là những chiến sĩ công binh áo rằn ri, da bánh mật, răng trắng lóa. Tiếng gọi nhau giữa tàu và bờ như một sợi dây nối đảo với đất liền. Mệnh lệnh ngắn gọn chỉ là tiếng chỉ dẫn quăng dây vào đâu mà nghe thật lay động. Lính gọi nhau đủ loại giọng. Giọng Quảng Ninh ngai ngái, giọng Hải Phòng “ăn toa noái lớn”, giọng Chương Mỹ Cái “rì cái rì”, giọng “Nghệ Án Xố Việt vận la Nghệ Án”. “Quân ơi!”. “Đàm ơi!”. “Bảng ơi!”...

 

”Một đảo nhỏ xa xôi ngoài biển rộngvẫn tiếng làng tiếng nước của riêng ta”
(Lưu Quang Vũ)

Cảm xúc đầu tiên về Trường Sa là vậy, sau này trong ca khúc “Đồng hương Trường Sa của tôi”, mình mở đầu bằng câu:

”Trường Sa ơi! Chúng tôi đến nơi đây từ bao nhiêu miền quê xaGiữa sóng gió bão giông người lính đang gọi tên nhauGiọng nói ấy, tiếng Quảng Ninh , Khánh Hòa, Cà Mau thân tình anh emLính Trường Sa chúng tôi gọi nhau là đồng hương ơi”.

Thực ra thì "đồng hương" là một từ chỉ người đối diện, bất kể người đó có cùng tỉnh, cùng xã với mình hay không. Từ này được lính dùng thường xuyên hơn từ "đồng chí" từ suốt mấy cuộc kháng chiến…, cho đến nay.

Đảo nhỏ này giống như Tổ Quốc rút gọn. Vùng quê nào cũng có con em đến đây.

Những bàn tay vẫy, từng người một đợi sóng nâng tàu lên thì nhảy lên bờ. Một bước nữa thôi. Mình chạm Trường Sa đầu tiên là bàn chân phải. Chắc chắn rồi. Đơn giản là thuận chân phải thì bao giờ cũng bước chân phải. Việc đầu tiên là đập vai những chiến sĩ công binh đen cháy. Người trên đảo ai cũng già vài tuổi vì ngấm gió mặn của biển. Bàn tay mình bắt đầu tiên là tay một sĩ quan Hải quân đang đôn đốc việc đón khách đoàn tại cầu cảng.Hai tay nắm chặt, mình nói to: “Xin chào anh Giáp!”Đồng chí thiếu tá cười răng trắng bóc vì nghe gọi trúng tên mình. Có gì đâu, quân phục ai cũng có biển tên trên ngực. Một hàng tên ngay ngắn: Lương Xuân Giáp. Gặp nhau lần đầu tiên mà như anh em cũ.

Phó Chính trị viên Lương Xuân Giáp cùng Nguyễn Lê Tâm(ảnh: Long Hưng)

Tình cờ từ hôm ấy, Giáp gắn bó cùng mình suốt những ngày trên đảo. Giáp là Phó Chính trị viên của Trường Sa Lớn, người chăm sóc tư tưởng tình cảm cho lính. Ở một nơi đơn độc giữa bể nước mênh mông thì vai trò cán bộ chính trị quan trọng số một.

Dọc đường từ cầu cảng vào nhà khách, mình bắt tay người lính thứ hai. Anh chàng này là lính nghĩa vụ, binh nhất. Lính nghĩa vụ mặc trang phục rất diện, gọi là quân áo yếm, nhưng vất vả cơ bắp hơn cả.

Chàng lính thủy lắc tay mình nói: Anh qua bên em chơi nhé. Em ở cụm pháo bên kia.Mình hỏi: “Em quê đâu?”Chàng lính: “Dạ Khánh Hòa anh à. Em tên Thủy. Nguyễn Ngọc Như Thủy”.Tên đẹp quá.

Sau khi nhận phòng nghỉ tại nhà khách Thủ Đô thì mình cùng phóng viên Minh Trí, Hồng Dung, Lan Anh, Trần Việt, Giám đốc công ty đồ họa Việt Nam Long Hưng đến các đơn vị để quay phim, phỏng vấn và giao lưu. Mục đích chính là làm một phim tài liệu kiểu ký sự biển đảo. Giáp đưa nhóm đi thăm từng cụm một.

Để phục vụ việc tiếp xúc tốt nhất, Giáp phân công cho cụm chiến đấu đón đoàn chu đáo. Không những thế còn tăng cường người biết đàn hát về cho cuộc vui thêm không khí. Giáp không hề biết Lê Tâm là tác giả một số ca khúc được thanh niên yêu thích.

Trong cuộc giao lưu, khi lính đảo dần nhận ra mình là tác giả bài “Nhắn tuổi 20” thì thích lắm. Cuộc vui sôi nổi hẳn. Đến cuối thì lính còn hát được cả bài “Phép lạ hàng ngày” vốn là bài mình viết cho nhi đồng.

”Quả trứng mà không cho gà ấpThì vẫn là quả trứng mà thôiQuả trứng ngày đêm đêm ngày ấpThì một chú gà con ra đờiPi píp pi pí pi…”

Những cậu lính áo yếm trẻ măng vỗ tay nghiêng ngả hát. Có cậu đang yêu, có cậu chưa kịp có người yêu thì đã lên tàu ra đảo. Trong tưởng tượng của người đất liền thì những cánh thư từ đảo xa vô cùng lãng mạn, nhưng với lính đảo thì quá xa với thực tế. Một năm chỉ có hai đợt tàu ra đảo nên việc viết thư hoàn toàn phụ thuộc vào mùa. Khoảng mười tháng là hầu như không có thư hay quà. Vì thế lá thư bằng giấy gần như không có cơ hội ra đảo.

May có Vietel phủ sóng điện thoại nên anh em có thể liên lạc được về nhà. Có thể nhìn thấy ảnh người nhà, con cái qua điện thoại khi sóng tốt. Thế là quá sức tưởng tượng. Nhưng nhu cầu được chạm vào thì thật xa vời.

Nguyễn Lê Tâm và Trung úy Nguyễn Tài Tuyền (ảnh: Long Hưng)

Trung úy Nguyễn Tài Tuyền bảo: “Em có thằng cu sinh mười  tháng rồi mà chưa được sờ vào đây… Em đang mong cuối năm được về bờ khi cháu đầy tuổi. Nếu tiếp tục, chắc phải 2 năm nữa mới được gặp nó. Nhiệm vụ nó phải thế anh ạ. Hai năm nữa thì thằng con chả nhận ra bố nữa. Lại làm quen từ đầu. Con của lính đảo anh nào cũng toàn bị thế cả…”

Trong lúc mình giao lưu, hát hò với lính, Giáp ngắm mình một cách thích thú. Sau khi rời cụm chiến đấu đầu tiên, Giáp bảo: “Anh Lê Tâm ạ. Anh phải viết về Trường Sa thôi”. Mình đáp: “Mình muốn viết lâu rồi nhưng thiếu thực tế. Chuyến đi này sẽ có cảm xúc để viết đây”.

Giáp nói chắc nịch như quân lệnh: “Phải cảm nhận sóng gió thì anh mới đủ cảm xúc về Trường Sa thế nào. Thế này nhá. Tối nay, anh đi với em tuần vòng quanh đảo. Vả lại về nguyên tắc thì người của đoàn không được đi lại khu bờ. Địa hình phức tạp, rất nguy hiểm với người không thạo. Biển và gió bất thường không biết thế nào đâu…”

Như vậy là ngoài “đơn đặt hàng” của bản thân thì có một “đơn đặt hàng” từ chính người Trường Sa. Đã bắt đầu viết được chưa?

Liên tục quay phim lính tráng, thấy thời gian trôi nhanh quá và trời tối sập xuống. Đúng hẹn, Giáp cầm đèn pin dẫn mình đi tuần.

Gió thổi phần phật. Biển như đang cơn giận dữ. Giáp bảo: “Anh cứ bước đúng chỗ em bước qua cho an toàn”.

Sóng đổ ập kè đá hất tung lên năm sáu mét. Dàn cột phong điện cánh quạt rít gió vù vù trên đầu như hàng chục chiếc trực thăng quần đảo.

Biển động thì gió to. Gió càng to thì điện càng khỏe. Sướng thế. Phải những hôm đứng gió thì cánh quạt ngủ đứng, điện kém, lính đảo mất vui. Gọi là vui chứ kỷ luật chuẩn lắm. Đúng giờ đi ngủ là bộ đội phải ngủ. Không ai được quá đà!.

Việc canh gác trên đảo ngày đêm hết sức cẩn mật. Thỉnh thoảng, Giáp dừng lại căn dặn các chốt gác rồi lại đi tiếp. Chuyến đi tuần rẽ qua ngọn hải đăng với hai người canh đèn lâu năm là anh Tiến và anh Thanh, đều người Hải Phòng. Từ khi rời đất cảng tới đây, các anh đã canh hải đăng ở các đảo thuộc Trường Sa gần 20 năm.

Anh Ngô Văn Thanh, người gác hải đăng

Kết thúc chuyến đi, cả nhóm ngồi phòng Giáp uống một thứ rượu ngâm từ quả tra biển. Nó là một thứ kiểu lên men hơi giống rượu nho, rất ngọt ngào và dễ say. Vì thế còn gọi là nho biển. Lá tra ăn hơi chát giống lá đinh lăng. Các bữa cơm trên dảo hay được ăn món này. Giáp kể mình nghe về công việc trực chiến, về cảm xúc khi được đón người vợ tại cầu cảng do chương trình VTV tổ chức; Về cha mẹ bộ đội; về những kỷ vật...

Khuya, cùng với câu chúc ngủ ngon, Giáp lắc tay, đập vai mình: “Em tin chắc là sẽ có ca khúc hay về Trường Sa của tác giả Lê Tâm”.

Tất nhiên là sẽ viết, vì những người lính, vì Giáp. Bắt đầu từ đâu nhỉ? Cảm xúc dạt dào quá chưa chắc đã dễ viết. Nhưng tất cả những tâm tư của lính đảo đều sinh động và đặt vào bài hát được.

Xuống cụm 3 với lính đảo Đinh Ngọc Tuấn, Trần Nguyên Hồng và Nguyễn Tài Tuyền mấy hôm ngấm nhiều tâm sự. Tuyền là anh chàng đã nhắc tới ở trên, người có một thằng cu con, sinh đã mười tháng mà bố chưa được một lần bế, chỉ nhìn thấy ảnh con qua điện thoại. Tuyền người Mường ở Hòa Bình. Cả gia đình, bố mẹ, anh, em dâu rể làm kiểm lâm, chuyên giữ rừng vàng. Chả hiểu sao lại cắt cử một người con đi giữ bể bạc. Tuy trẻ, nhưng Tuyền là một chỉ huy được đánh giá là mưu trí, mạnh mẽ, quyết đoán trong chỉ huy. Tuyền mong về thăm con lắm. Hành trang đã chuẩn bị sẵn, phải có cây bàng vuông. Ốc san hô thì của nhà trồng được. Tuyền lấy quả, ươm mầm được mấy cây bàng vuông, nó nẩy mầm, ra lá tươi tốt. Lính đảo vẫn có thói quen mang các kỷ vật của đảo về tặng đất liền trồng ở vườn nhà hoặc san hô tặng người thân.

Ca từ sơ phác và về sau hoàn thành thì thế này:

”Đồng hương ơi hãy xem đây tấm hình thằng cu nhà tôiĐã sinh mười tháng rồi chưa được cha bế bồng.Cậu con trai giống cha vô cùng người lính đảo xa.Cha đã có cành san hô, tặng con xuân sắp về”.

Sau đó, Tuyền được về đất liền thăm gia đình và bế thằng cu thân yêu đã tròn tuổi

Thằng cu này là con bố Tuyền. Đưa thẳng câu chuyện vào bài hát, không cần đâu xa. Cái tứ của nội dung bắt đầu định hình. Tên của Thiếu tá Lương Xuân Giáp và thiếu úy Đinh Ngọc Tuấn, cũng được

đưa vào ca từ luôn:  

“Đồng hương ơi! Nếu mai ghé đất liền thì Tuấn qua nhà tôi chơi Hãy động viên cha tôi mẹ tôi quê nhà yên tâm Đồng hương ơi! Nếu mai ghé đất liền thì Giáp qua nhà tôi chơi Hãy mang đến trong khu vườn tôi một cụm phong ba”.

Có lẽ đơn đặt hàng từ biển, từ Giáp, từ Tuyền đã có manh nha làm được. Nhưng phải đến khi về đất liền thì mới sửa chữa xong. Ca khúc được nhóm Bel Calto thu âm và biểu diễn ngay.

Tạm biệt ! Cùng hát vang những bài ca về Tổ Quốc (ảnh: Long Hưng)

Chương trình Xuân Trường Sa nhân dịp tết Quý Tỵ - 2013của VTV và ngày thơ Việt Nam cũng đã kịp thời đưa vào ca khúc "Đồng hương Trường Sa của tôi" để chuyển nhanh tới các chiến sĩ đảo xa tình cảm đất liền. Giáp nhắn tin nói anh em đảo đã nghe qua truyền hình và rất thích. Một số chiến sĩ đã hát được rồi.

Ca sĩ Đào Văn Mác của nhóm Bel Cal to nói với mình: “Lâu lắm em mới hát một bài mà cảm giác rưng rưng cứ ngân nga mãi”. Mình thầm cảm ơn thực tế trên đảo đã tặng âm nhạc cho những chất liệu quý giá mà ở đất liền không thể tưởng tượng ra được. Đời sống đảo xa đã giúp cho giai điệu luôn trong trẻo, chân thành…/.