Từ năm 2009 đến năm 2011, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái đã tiếp nhận, tuyển dụng vượt biên chế, thừa cơ cấu ban môn, hợp đồng vượt quy mô 212 giáo viên. Để giải quyết hậu quả, ngày 15/10/2012, huyện Yên Bình đã hủy biên chế của 80 giáo viên mầm non và điều chuyển công tác, cho nghỉ hàng trăm giáo viên khác. Sự việc làm nhiều thầy cô giáo ở Yên Bình, bức xúc trong suốt thời gian qua. Sau nhiều ý kiến trái chiều, vừa qua, UBND tỉnh Yên Bái đã chính thức đưa ra kết luận về cách giải quyết cho 212 giáo viên này.
Ông Phạm Duy Cường - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái trao đổi với các giáo viên. (Ảnh báo Yên Bái) |
Huyện sai giáo viên phải chịu!
Tại buổi đối thoại với Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái mới đây với 212 giáo viên trong diện giảm biên, điều chuyển địa bàn, chuyển công tác, thì 80 giáo viên mầm non bị loại khỏi biên chế mong mỏi được giữ lại biên chế. Bởi các cô băn khoăn khi chuyển sang hợp đồng theo quyết định Quyết định số 60 ngày 26/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ và theo Luật Viên chức thì sẽ không thể đảm bảo quyền lợi như cũ. Cô giáo Trần Thanh Sơn, trường mầm non Vĩnh Kiên và cô giáo Quách Thị Thanh Huyền, trường mầm non Tân Hương nói: Từ trước tới nay trong quan niệm của giáo viên thì giữa biên chế và hợp đồng thì biên chế chắc chân, ổn định hơn, hợp đồng thì bấp bênh hơn. Khi chúng tôi đang ở biên chế lại bị chuyển sang hợp đồng rất hoang mang, lo lắng. Các cấp lãnh đạo hãy giải thích cho chúng tôi rõ giữa hai chế độ biên chế và hợp đồng.
“Tôi là một trong 80 giáo viên bị hủy biên chế, bây giờ phải ký lại hợp đồng, vậy cái hợp đồng đó có đảm bảo quyền lợi cho chúng tôi như một giáo viên trong biên chế đế khi về hưu hay không và sau này có chỉ tiêu biên chế cả ở vùng 1, vùng 2 thì chúng tôi có vào biên chế một lần nữa hay không?”.
Bên cạnh đó các giáo viên này còn bức xúc cho rằng, huyện làm sai sao chỉ có các giáo viên lại phải chịu. Còn 39 giáo viên tiểu học và trung học cơ sở không bị loại khỏi biên chế nhưng bị điều chuyển đi địa bàn khác thì băn khoăn về sự công bằng trong việc sắp xếp. Có giáo viên bị điều chuyển về vùng khó khăn lần thứ hai, có người hoàn cảnh rất khó khăn bị điều động đi quá xa nhà… 84 giáo viên, nhân viên trong diện các trường hợp đồng làm việc vượt quy mô thì cho rằng, nếu chuyển từ việc đứng lớp xuống làm công tác dinh dưỡng và quản sinh thì không hợp với chuyên môn được đào tạo. Cô giáo Đặng Thị Thường, giáo viên Toán - Lý trường Trung học cơ sở Đại Minh bị điều chuyển xuống làm nhân viên dinh dưỡng trường Mầm non Đại Minh nói: “Chúng tôi được đào tạo là giáo viên Toán, Lý mà lại cho xuống làm nhân viên dinh dưỡng, mức lương thì chỉ được 1,0 lương tối thiểu, yêu cầu các cấp lãnh đạo bố trí lại công việc cho đúng chuyên môn của chúng tôi và cho hưởng mức lương theo bằng cấp của chúng tôi”.
Đã thấu tình đạt lý
Sau giải trình của Sở Nội vụ, Sở Giáo dục- Đào tạo, ông Phạm Duy Cường, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái thẳng thắn nêu: Sai phạm của huyện Yên Bình trong việc tuyển dụng 212 giáo viên đã rất rõ và đã được Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy Yên Bái kết luận. Bây giờ không còn cách nào khác là phải sửa sai. Tỉnh vận dụng linh hoạt các chính sách để đảm bảo quyền lợi cho các giáo viên. Và kết luận ngày hôm nay của Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái là quyết định cuối cùng với vụ việc này.
Theo đó: Đối với 80 giáo viên mầm non bị loại khỏi biên chế sẽ không còn cách nào khả thi hơn việc sắp xếp cho các giáo viên này tiếp tục giảng dạy tại trường theo chế độ hợp đồng được quy định tại Quyết định số 60 ngày 26/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ và theo Luật Viên chức. Các giáo viên được đảm bảo mọi chế độ, chính sách và quyền lợi hiện hưởng theo quy định của Nhà nước. Đối với 39 giáo viên tiểu học và trung học cơ sở tiếp nhận, tuyển dụng sai quy định được tiếp tục phân công giảng dạy tại các trường học trên địa bàn huyện Yên Bình và được giữ nguyên mọi chế độ, chính sách và quyền lợi theo quy định của Nhà nước. Đối với 84 giáo viên, nhân viên hợp đồng vượt quy mô: Bố trí 7 trường hợp thay thế giáo viên nghỉ hưu, chuyển công tác năm 2012; 39 trường hợp về các trường mầm non và trường có từ 30 học sinh bán trú trở lên để làm công tác quản sinh và tham gia công tác khác theo sự phân công của hiệu trưởng; số còn lại sẽ được bố trí tại chỗ hoặc điều chuyển đến các trường học thuộc các địa phương khác trong tỉnh, được giữ nguyên lương, chế độ, chính sách theo quy định.
Ông Phạm Duy Cường chia sẻ:Giải quyết như trên với nguyên tắc vừa tuân thủ pháp luật, vừa vận dụng các chính sách của nhà nước, vừa thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, vừa thể hiện được quan điểm nhân văn, vừa thấu tình đạt lý. Tôi tin rằng các nhà quản lý, các thầy cô giáo tìm đọc Luật viên chức, Quyết định 60 của Thủ tướng Chính phủ để thấy rõ điều này. Có thể còn có điều này điều khác trong tâm tư nhưng đây là phương án giải quyết có lợi nhất cho các thầy cô giáo.
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cũng cho biết đã giao cho công an và các ngành chức năng tiếp tục làm rõ các sai phạm trong tuyển dụng giáo viên ở Yên Bình để xử lý, nếu đủ bằng chứng sẽ tiến hành khởi tố không trừ một trường hợp nào. Đồng thời yêu cầu các đơn vị, cá nhân có liên quan kiểm điểm thật nghiêm túc và rút bài học kinh nghiệm qua sự việc này. Nhất là huyện Yên Bình, đã lúng túng và giải quyết chưa thấu tình, đạt lý, gây bức xúc trong dư luận suốt thời gian qua.
Buổi làm việc kết thúc sau hơn 4 giờ đồng hồ, trước những lời giải thích cặn kẽ và sự chân thành của ông Phạm Duy Cường, hầu hết các giáo viên cho biết đã thông tỏ và bằng lòng với các giải quyết của UBND tỉnh Yên Bái, yên tâm công tác, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà./.