Theo Quyết định, căn cứ vào mức độ sự cố tràn dầu, việc tổ chức, thực hiện ứng phó được tiến hành ở 3 cấp: Cấp cơ sở, cấp quốc gia và cấp khu vực.
Sự cố tràn dầu được phân theo số lượng dầu tràn ở 3 mức nhỏ, trung bình và lớn. Cụ thể: Sự cố tràn dầu nhỏ là sự cố tràn dầu có lượng dầu tràn dưới 20 tấn; trung bình là lượng dầu tràn từ 20-500 tấn và sự cố tràn dầu lớn là hơn 500 tấn.
Việc phân loại mức độ sự cố trành dầu để xây dựng kế hoạch ứng phó và xác định mức độ đầu tư trang thiết bị, nguồn lực để chuẩn bị sẵn sàng, ứng phó kịp thời đối với các cấp độ ứng phó khác nhau.
Xác định trách nhiệm bồi thường
Quyết định nêu rõ: Chủ cơ sở hoặc chủ tàu gây ra sự cố tràn dầu và bảo hiểm của họ (gọi chung là bên chịu trách nhiệm bồi thường) phải thiết lập Quỹ bảo đảm bồi thường hoặc Quỹ ủy thác trách nhiệm bồi được Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền xác định là đủ theo quy định.
Chủ cơ sở hoặc chủ tàu gây ra sự cố tràn dầu phải chịu trách nhiệm bồi thường, chi phí ứng phó và các thiệt hại về kinh tế, tổn thất về môi trường. Bên chịu trách nhiệm bồi thường phải phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết việc bồi thường thiệt hại.
Trường hợp thiệt hại do tràn dầu ảnh hưởng trong phạm vi tỉnh thì UBND cấp tỉnh chủ trì xác định thiệt hại và trách nhiệm bồi thường. UBND cấp tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu cấp tỉnh, thành phần gồm đại diện một số cơ quan tham mưu giúp tỉnh ứng phó, giải quyết hậu quả và khắc phụ môi trường.
Trường hợp thiệt hại do tràn dầu trên diện rộng ảnh hưởng đến nhiều tỉnh, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan thành lập Ban Chỉ đạo giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu.
Với sự cố tràn dầu đặc biệt nghiêm trọng hoặc ảnh hưởng đến nhiều quốc gia, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu./.