Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng, ngày 1/3, Chi Cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với 5 cán bộ Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn để phục vụ công tác điều tra.

pha_rung_o_da_nang_2_qlmw.jpg
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Phùng Tấn Viết đi kiểm tra thực địa

Theo đó, 5 cán bộ liên quan đến vụ phá rừng trên bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng bị tạm đình chỉ lần này là ông Trần Văn Thành, Hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn; ông Lê Phước Bảy, Phó Hạt Trưởng; cùng các Kiểm Lâm viên Lê Văn Hải, Phan Văn Khoa và Nguyễn Hải Châu, cán bộ thanh tra pháp chế Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà-Ngũ Hành Sơn.

Một số cán bộ chủ chốt của Chi cục Kiểm lâm thành phố được phân công tạm thời quản lý, điều hành mọi hoạt động của Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà-Ngũ Hành Sơn. Trong đó, giao ông Lê Văn Nhị Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng phụ trách Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà-Ngũ Hành Sơn.

Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng Trần Văn Lương báo cáo tại buổi họp báo

Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng cho biết, Chi cục Kiểm lâm cũng đã quyết định thành lập đoàn kiểm tra, xử lý vụ việc liên quan đến phá rừng trên bán đảo Sơn Trà. Kết quả kiểm tra bước đầu phát hiện 3 điểm tác động vào rừng với diện bị xâm hại gần 10ha.

Trước mắt Chi cục đã chỉ đạo và cử cán bộ nghiệp vụ  làm lại các bước từ ban đầu quy trách nhiệm cụ thể; phân định rõ trách nhiệm cụ thể phân định rõ ràng trách nhiệm  nào thuộc về địa phương; trách nhiệm nào thuộc về kiểm lâm.

“Qua thanh tra, kiểm tra sai đến đâu, chúng tôi xử lý đến đó. Cách chức, kỷ luật, buộc thôi việc thì việc này sẽ thực hiện sau khi có kết luận thanh tra”, ông Hùng cho biết.

Phá dỡ lán trại dựng trái phép tại khu vực rừng Sơn Trà

Như VOV đã phản ánh, việc phá rừng trái phép trên bán đảo Sơn Trà xảy ra từ cuối năm 2015. Cán bộ Trạm Kiểm lâm Tiên Sa đã báo cáo vị việc với Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Sơn Trà- Ngũ Hành Sơn nhưng vẫn chưa được xử lý.

Theo ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Đà Nẵng, khu vực rừng bị xâm hại thuộc tiểu khu 62 và tiểu khu 63 rừng Sơn Trà. Khu rừng này trước đây được Kiểm lâm bàn giao cho UBND phường Thọ Quang, quận Sơn Trà. Sau đó, địa phương này đã giao khoán cho các hộ dân quản lý và trồng rừng.

Rừng đặc dụng Sơn Trà, Đà Nẵng

Tuy nhiên, ông Võ Đình Công, Chủ tịch UBND phường Thọ Quang, quận Sơn Trà lại cho rằng, Hạt Kiểm lâm mới thực hiện trên văn bản giấy tờ chứ chưa bàn giao trên thực địa. Theo đó, đến ngày 24/2/2016, chính thức 2 bên  bàn giao tổng thể  trên giấy tờ, bắt đầu tiến hành đi bàn giao từng hồ sơ một thì đến bây giờ vẫn chưa có hồ sơ nào bàn giao thực địa để xác định ranh giới và các vi phạm của chủ hộ trên hồ sơ đó.  

“Trước mắt chúng tôi xin chịu trách nhiệm trong vấn đề phối hợp với Hạt Kiểm Lâm để xảy ra tình trạng này mà cơ quan chức năng không phát hiện để người dân phát hiện”, ông Công nói.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà hiện có loài vạc chà vá - một trong những loài động vật quý hiếm cần được bảo tồn

Liên quan đến vụ phá rừng trên bán đảo Sơn Trà, cuối buổi chiều nay, UBND thành phố Đà Nẵng đã tổ chức họp báo về vụ việc này.

Ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, giao cho Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Chủ tịch quận Sơn Trà tổ chức xử lý trách nhiệm của tập thể cá nhân liên quan đến vụ xâm hại trái pháp luật ở khu bảo tồn Sơn Trà; chỉ đạo ngành kiểm lâm cũng như các địa phương xây dựng kế hoạch hướng dẫn cụ thể phần trả lại rừng bị thiệt hại./.