Liên quan đến vụ việc hàng nghìn lượt ngư dân Sầm Sơn tụ tập, kéo nhau lên Trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa khiếu kiện đông người những ngày qua, sau cuộc đối thoại giữa Bí thư tỉnh ủy với ngư dân, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có báo cáo với Ban Bí thư Trung ương và các cơ quan khác.
Báo cáo nêu: chủ trương giải bán tàu thuyền có công suất máy chính dưới 20CV; đóng mới, mua mới tàu cá khai thác hải sản có công suất 30CV trở lên và chủ trương di chuyển bến thuyền ra khỏi bãi biển du lịch là hoàn toàn thực hiện theo chủ trương của Trung ương và phù hợp với xu thế tất yếu của phát triển du lịch; đồng thời, tỉnh ủy, UBND tỉnh chưa có bất cứ văn bản chỉ đạo nào qui định về thời hạn phải di chuyển bến thuyền ra khỏi dự án trước khi chưa xây dựng được bến mới.
Nhưng, do nhận thức pháp luật còn hạn chế, do cuộc sống mưu sinh trước mắt và bị một số kẻ xấu lợi dụng, xúi dục, kích động, nên trong các ngày từ 29/2 đến 6/3, nhiều ngư dân xã Quảng Cư và các phường Trung Sơn, Trường Sơn, Bắc Sơn của Thị xã Sầm Sơn đã tập trung đông người, kéo đến nơi làm việc của các cơ quan cấp tỉnh, cấp Thị để khiếu kiện. Ngày đông nhất có trên 400 người tụ tập trước trụ sở UBND tỉnh, trụ sở tiếp dân, trụ sở tỉnh ủy và UBND thị xã Sầm Sơn khiếu kiện đòi giữ lại bãi tập kết thuyền, bè, mủng đánh cá của ngư dân, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn giao thông và hoạt động bình thường của một số cơ quan Nhà nước và dân cư trên địa bàn TP Thanh Hóa, Thị xã Sầm Sơn, diễn biến của sự việc có chiều hướng ngày càng phức tạp.
Xoay quanh vụ việc trên, như VOV.VN đã liên tục thông tin, liên tục 10 ngày liền trước đó, hàng trăm ngư dân thuộc xã Quảng Cư và các phường Trường Sơn, Trung Sơn, Bắc Sơm của Thị xã Sầm Sơn đã kéo nhau lên cổng UBND tỉnh Thanh Hóa, khiếu kiện về việc phải di chuyển bến neo đậu thuyền, bè, mủng sang nơi khác, nhường chỗ cho Dự án không gian du lịch phía Đông đường Hồ Xuân Hương (TX Sầm Sơn).
Không đồng ý với cách giải quyết của các cấp chính quyền, vì hiện tại nếu giải bán thuyền, mủng có công suất máy chính dưới 20CV thì người dân không biết làm nghề gì để sống. Đóng thuyền mới thì không đủ điều kiện kinh tế, không có kinh nghiệm đánh bắt. Còn nếu chuyển vị trí bãi neo đậu vào cảng Hới (xã Quảng Tiến) thì quá xa (cách nơi xa nhất 8-9km), ngư dân không thể đi biển xe như vậy.
Kế tiếp, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định về việc hỗ trợ ngư dân những cũng không nhận được sự đồng thuận. Do vậy, nhiều ngày liên tục ngư dân nghỉ làm, nghỉ đi biển kéo nhau đi khiếu kiện. Tình hình ngày càng phức tạp, đến sáng 7/3, trực tiếp Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa ông Trịnh Văn Chiến đối thoại trực tiếp với ngư dân, kết luận buổi đối thoại thống nhất cách giải quyết là các gia đình chưa đồng thuận với chủ trương, chính sách của tỉnh thì vẫn duy trì việc khai thác, đánh bắt hải sản và neo đậu như hiện nay. Khi Nhà nước đầu tư xây dựng xong bến mới, đảm bảo về cơ sở hạ tầng thì khuyến khích ngư dân đưa thuyền, bè về neo đậu ở bến mới...
Ngay sau ngày đối thoại và nhận được sự đồng thuận, ngày hôm sau, ngư dân Sầm Sơn đã trở lại đi biển bình thường, niềm vui đã hiện lên từng khuôn mặt của những người con đất biển Sầm Sơn.
Ngư dân phản đối di chuyển bãi thuyền. |
Trong báo cáo, tỉnh ủy Thanh Hóa cũng nói về việc chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở tại Thị xã Sầm Sơn, đặc biệt là các cơ quan bảo vệ pháp luật tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo cuộc sống bình yên cho người dân; điều tra, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm theo qui định của Đảng và pháp luật của Nhà nước./.