Ngay khi cuộc đối thoại với Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến kết thúc sáng 7/3 vừa qua, hàng trăm ngư dân ở xã Quảng Cư và các phường Bắc Sơn, Trung Sơn, Trường Sơn, thị xã Sầm Sơn đã trở lại công việc sau 10 ngày tập trung đông người khiếu nại gay gắt tại trụ sở Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa. Có lẽ chưa bao giờ người dân lao động ở xứ Thanh lại bỏ cả công việc, nhà cửa để đi đòi quyền lợi của mình một cách quyết liệt như vậy.
Qua vụ việc này, không chỉ ở Thanh Hóa mà các địa phương khác có vụ việc tương tự cần rút ra những bài học trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Bài học đó là: mọi chủ trương, chính sách cần có sự hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và chính quyền địa phương. Trong đó, việc chỉ đạo điều hành phải trên tinh thần “gần dân, trọng dân, lắng nghe dân, giải quyết kịp thời những bức xúc của dân”.
Ông Trịnh Văn Chiến đối thoại với người dân Sầm Sơn (Ảnh: Nguyễn Hải) |
Tuy nhiên, ông Vũ Đình Xện, 62 tuổi ở xóm Hồng, xã Quảng Cư bày tỏ nuối tiếc: “Tôi là người dân ở xã Quảng Cư, chúng tôi hoàn toàn nhất trí vấn đề này và vui mừng. Kể ra mà đồng chí Bí thư cho chúng tôi biết được vấn đề này trước đây khoảng dăm bảy ngày thì dân chúng tôi đỡ phải khổ, mà kể cả các đồng chí công an cũng đỡ vất vả vì dẹp dân”.
Một chủ trương đúng và rõ ràng như vậy lại không được công bố ngay từ đầu khiến không chỉ ông Xện và nhiều người dân khác “tiếc”, mà không ít nhà báo cũng bày tỏ thái độ tương tự. Tại cuộc họp báo ngày 2/3/2016 do UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức chỉ cung cấp cho các nhà báo quyết định số 705 vừa ban hành ngày hôm trước về việc hỗ trợ ngư dân bị ảnh hưởng của dự án “Không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương”.
Nhiều người dân cho rằng, nếu chủ trương in thành văn bản rồi photo, gửi tới các khu dân cư, hoặc niêm yết công khai tại các điểm công cộng và đọc trên loa truyền thanh thì đâu đến nỗi người dân phải vất vả ngược xuôi đi khiếu kiện. Nhưng tất cả những “nếu mà” ấy - hôm nay đã trở thành bài học.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, thông tin trực tiếp đến người dân những ngày qua đã không đúng với nội dung kết luận của Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Người dân được cán bộ xã, phường và thị xã Sầm Sơn mời họp, thông báo việc di dời bến thuyền - mủng đi nơi khác phải thực hiện ngay trong quý 1 năm 2016.
Ông Lê Nhữ Triệu, ngư dân phường Trung Sơn kể lại: “Ông Trịnh Tứ Khoa, Phó Chủ tịch UBND phường đầu tiên gọi dân lên họp và quyết định đến ngày nào đó là di dời, chứ không phải bà con tự đi diễu hành. Chính xác là UBND phường, sau đó là UBND thị xã Sầm Sơn, có cả ông Chủ tịch thị xã và Phó Chủ tịch. Ông Triệu quyết định là không được một bóng thuyền nào trên biển Sầm Sơn nữa, không được một bóng thuyền, mủng nào được đậu ở nơi này”.
Điều đáng nói là, khi người dân không đồng thuận di dời, thì việc họp dân, tuyên truyền, giải thích và sau đó là giải quyết khiếu nại đã được cấp phường, xã và thị xã thực hiện không thấu đáo. Bí thư Đảng ủy phường Trung Sơn, ông Trịnh Đức Hiệp thừa nhận, mặc dù các đoàn thể quần chúng tích cực vào cuộc, nhưng việc triển khai thực hiện việc di dời bến thuyền mủng là “nóng vội”: “Vừa rồi chủ trương chung thì đúng, nhưng do mình làm cũng nóng vội để đưa vào hè cho nó đẹp cho nên chưa tạo cho bà con thấy được quyền lợi của bà con”.
Đó là ở cấp cơ sở. Còn với cấp lãnh đạo cao hơn cũng “tiền hậu bất nhất” như lời ông Bí thư Tỉnh ủy tại cuộc đối thoại rằng: “Quá trình tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành từ tỉnh đến thị xã Sầm Sơn chưa đạt yêu cầu”.
Dự án “Không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương” chạy dọc bãi biển Sầm Sơn dài 3,5km qua địa bàn 3 phường Bắc Sơn, Trung Sơn, Trường Sơn và xã Quảng Cư. Trên bãi biển này, hiện còn 3 bãi đậu của trên 700 thuyền, mủng đánh bắt hải sản của ngư dân. Nhiều đời nay, hàng nghìn nhân khẩu đã sinh sống bằng nghề đánh bắt, buôn bán hải sản và cung cấp dịch vụ nghề biển. Nhờ vị trí gần nơi sinh sống nên việc đi lại, đánh bắt, buôn bán hải sản rất thuận tiện. Nhưng sau Tết nguyên đán Bính Thân, ngư dân của các phường - xã trong vùng dự án được yêu cầu di dời sang bến khác ngay trong quý 1 năm nay, khiến họ bị “sốc” và bất bình. Theo giải thích của ông Nguyễn Đức Quyền, phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa, do người dân không được tuyên truyền đầy đủ và chính quyền địa phương “có vấn đề” khi thực hiện chủ trương của tỉnh nên người dân không đồng thuận.
Ông Nguyễn Đức Quyền cho biết: “Vấn đề là lãnh đạo tỉnh chúng tôi quyết định chủ trương, quyết định chính sách giao cho các ngành các cấp hướng dẫn như thế, có chuyện để dân như thế là thấy rằng cách làm của bộ máy của mình là có vấn đề”.
Vì sao để dân bức xúc tập trung đông người khiếu kiện kéo dài tới 10 ngày mới tiến hành đối thoại? Có phải các cấp ủy, chính quyền địa phương không gần dân, trọng dân? Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng: “Không gần dân thì hiện chưa có cơ sở để khẳng định, nhưng cách tuyên truyền, truyền đạt đến dân như thế nào là vấn đề. Vì dân chưa hiểu được cách triển khai của cấp ủy chính quyền địa phương mà lại nghe một bộ phận nói khác đi, thì mình phải thấy được yếu kém của mình”.
Lãnh đạo Thanh Hóa nói gì về việc ngư dân Sầm Sơn biểu tình?
Tuyên truyền, giải quyết khiếu nại chưa đạt yêu cầu cộng với việc phê duyêt, thực hiện quy hoạch không rõ ràng khiến dân thêm bức xúc. Có một điều ít người biết tới là, trong “Quy hoạch dự án không gian du lịch ven biển phía đông đường Hồ Xuân Hương” được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tháng 10/2015 đã không còn một bến đỗ thuyền - mủng nào cho ngư dân. Câu hỏi đặt ra: Liệu trước khi phê duyệt quy hoạch Dự án này, đại diện cộng đồng dân cư ở các phường - xã trong vùng dự án có được tham khảo ý kiến theo quy định của Luật quy hoạch đô thị hay không? Nếu họ không được tham khảo đóng góp ý kiến, không có tiếng nói, thì đương nhiên không thể biết toàn bộ các bến đỗ thuyền - mủng của ngư dân tại bãi biển Sầm Sơn bị “xóa sổ” trong quy hoạch chi tiết. Chỉ đến khi chính quyền các cấp yêu cầu ngư dân nhanh chóng di dời bến đỗ, họ mới “ngã ngửa” vì quá bất ngờ, nên đã khiếu nại đòi quyền lợi.
Một việc làm nữa cho thấy UBND tỉnh Thanh Hóa xử lý tình huống một cách lúng túng khi “sự đã rồi”. Dự án “Quy hoạch không gian du lịch ven biển phía đông đường Hồ Xuân Hương” được phê duyệt chi tiết từ tháng 10/2015, dự kiến thi công xong trước tháng 4/2016, nhưng phải mất hơn một năm sau (ngày 01/3/2016 - vào thời điểm khiếu kiện tập trung đông người nhất), UBND tỉnh Thanh Hóa mới ban hành chính sách hỗ trợ ngư dân. Phải chăng, chính sách hỗ trợ hoàn toàn bị động và chỉ được ban hành khi áp lực khiếu nại của hàng trăm người dân đến mức độ gay gắt?
Và cho dù mức hỗ trợ ngư dân của tỉnh Thanh Hóa đưa ra “rất ưu đãi, cao hơn so với những chính sách hỗ trợ thủy sản hiện nay” (như lời ông Bí thư Tỉnh ủy tại cuộc đối thoại), thì nhiều ngư dân vẫn không đồng tình, bởi “sẽ không biết làm gì để mưu sinh ngoài nghề đi lộng” đánh bắt hải sản truyền thống.
Một thực tế ai cũng thừa nhận, hầu hết người dân đồng tình với chủ trương cải tạo, nâng cấp khu du lịch Sầm Sơn. Những ngư dân ở đây cho rằng, khi du lịch phát triển, sản phẩm họ đánh bắt, chế biến được từ biển sẽ bán với giá cao hơn, đời sống của họ sẽ khá hơn, khách du lịch khi đến với Sầm Sơn sẽ ghé thăm làng nghề truyền thống của họ đông hơn. Họ chỉ mong những suy nghĩ như vậy được các cấp, các ngành ghi nhận, nghiên cứu và từng bước giải quyết.
Điều đáng quan tâm là làm thế nào để hài hòa lợi ích giữa cộng đồng dân cư địa phương, nhà đầu tư và chính quyền cơ sở, chúng tôi sẽ phản ánh trong bài thứ hai của loạt bài này có tựa đề “Bài học từ sự hài hòa lợi ích ba bên”./.