Viettel vừa có văn bản đề nghị được tham gia phối hợp triển khai dịch vụ ETC cho 2 tuyến đường bộ cao tốc là Cầu Giẽ - Ninh Bình và Nội Bài – Lào Cai trong quý I/2017.

Cụ thể, phía Viettel đã gửi đề nghị lên Bộ trưởng Bộ GTVT, mong muốn cùng Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) phối hợp triển khai dịch vụ ETC.

thu_phi2_vov_yilc.jpg
Viettel vừa có văn bản đề nghị được tham gia phối hợp triển khai dịch vụ ETC cho 2 tuyến đường bộ cao tốc là Cầu Giẽ - Ninh Bình và Nội Bài – Lào Cai.

Viettel cũng muốn người đứng đầu ngành GTVT hỗ trợ, giới thiệu để làm việc xúc tiến với các chủ đầu tư, doanh nghiệp BOT toàn quốc hợp tác triển khai dịch vụ ETC trên cơ sở đàm phán thỏa thuận cung cấp dịch vụ và được phép làm việc với Cục Đăng kiểm Việt Nam để sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia gắn với công tác cấp phát thẻ định danh phương tiện (thẻ RFID), tiến tới cấp thẻ miễn phí trên tinh thần tự nguyện cho các chủ phương tiện tại tất cả các Trung tâm đăng kiểm.

Trước đó, Viettel đã tiến hành thử nghiệm thành công dịch vụ ETC tại các trạm Hoàng Mai, Đắc Nông với Tasco năm 2015 và tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình năm 2016, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, nghiệp vụ của dịch vụ.

Theo đại diện của Viettel, khi triển khai dịch vụ ETC, từ thẻ E-tag gắn trên kính xe, thiết bị đọc gắn tại trạm thu phí sẽ trừ tiền của chủ xe. Chủ xe có thể nạp tiền vào tài khoản bằng tiền mặt, qua điện thoại, thẻ cào, Internet banking... Thời gian xử lý giao dịch thu phí nhanh với tốc độ phương tiện qua trạm không barrier là 50 giây/giao dịch.

Hiện thị trường cung cấp dịch vụ thu phí không dừng có hai doanh nghiệp là Liên danh Tasco – VETC và Vietin dưới hình thức đầu tư BOO, với tổng mức đầu tư tổng cộng gần 4.000 tỷ đồng.

Nhiều tuyến đường đã lắp đặt và triển khai thu phí tự động không dừng ETC.

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa từng cho biết, nếu mỗi xe chỉ cần dán một thẻ E-tag là có thể yên tâm chạy trên mọi tuyến đường của đất nước mà không cần quan tâm trạm này là của đơn vị nào thu phí. Vì vậy, Bộ trưởng hi vọng hệ thống ETC này sẽ được nhân rộng và triển khai trên khắp cả nước.

Trước đó, tại cuộc họp về đề xuất giải pháp thu phí không dừng vào cuối năm 2016, theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định việc thu phí của nhà đầu tư BOT phải thông qua một công ty dịch vụ. Bộ sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong xây dựng hành lang pháp lý để thực hiện thu phí không dừng.

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải khuyến khích tất cả các nhà đầu tư tham gia cung cấp dịch vụ thu phí không dừng. Đối với các nhà đầu tư BOT, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu phải có thời hạn nhất định để sử dụng dịch vụ thu phí không dừng.

Việc sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp nào đó là quyền của nhà đầu tư BOT thông qua đàm phán, đấu thầu. Bộ Giao thông Vận tải không can thiệp vào việc lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng của các nhà BOT.

Tuy nhiên, công nghệ thu phí không dừng phải thống nhất trên toàn quốc. Quan điểm của Bộ GTVT  là làm sao mỗi xe chỉ cần dán một thẻ E-tag là có thể yên tâm chạy trên mọi tuyến đường của đất nước mà không cần quan tâm trạm này là của đơn vị nào thu phí./.