Ngày 1/8, nhiều bệnh viện trong cả nước thực hiện tăng viện phí. Trước đó, từ giữa tháng 7, năm bệnh viện tuyến Trung ương là: Bạch Mai Việt Đức, Huyết học và truyền máu Trung ương, Việt Nam- Thụy Điển và bệnh viện K đã tăng giá nhiều dịch vụ y tế. Tuy nhiên, nhiều bệnh viện chưa công khai mức viện phí mới theo đúng quy định của Bộ Y tế nên đa số bệnh nhân không biết việc điều chỉnh này.
Tại cơ sở 1 của Bệnh viện K Trung ương, bảng giá dịch vụ y tế được niêm yết ngay lối ra vào phòng khám. Tuy nhiên, đây vẫn là bảng giá cũ dù bệnh viện này tăng viện phí đã hơn 10 ngày qua.
Điều đáng nói, viện phí đã tăng, nhưng chất lượng phục vụ bệnh nhân lại chưa có gì cải thiện. Vẫn cảnh người bệnh mòn mỏi ngồi chờ khám hoặc nằm la liệt tại hành lang.
Giống như Bệnh viện K, hầu hết bệnh nhân ở Bệnh viện Bạch Mai đều không biết giá viện phí tăng. Từ ngày 16/7, bệnh viện này được phê duyệt tăng 447 dịch vụ y tế trong đó, phí khám bệnh tăng từ 3.000 đồng lên 20.000 đồng/1 lần và tiền giường tăng từ 10.000 đồng lên 70.000 đồng/1 ngày, nhưng đến nay bệnh viện vẫn chưa công khai tới bệnh nhân.
Ông Nguyễn Ngọc Hiền - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Bệnh viện đang có kế hoạch công khai ở khu vực khám bệnh, hiện đang cho làm, có thể trong tuần sau xong”.
Còn tại Bệnh viện Việt Đức, bảng giá viện phí mới đã có nhưng lại treo cao quá đầu người, nên bệnh nhân và người nhà của họ có căng mắt ra cũng không thể thấy rõ.
Theo ông Lê Văn Phúc - Cán bộ Phòng Chế độ bảo hiểm y tế, thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, việc nhiều bệnh viện không công khai mức viện phí mới hoặc công khai theo chiếu lệ là vi phạm quy định của Bộ Y tế và các văn bản hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Ông Phúc nói: “Điểm 6.2 của Công văn 2210 của Bộ Y tế hướng dẫn triển khai thực hiện Thông tư 04 là Công khai bảng giá của các dịch vụ đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để người bệnh biết thực hiện, đặc biệt là mức giá khám bệnh, ngày giường điều trị. Rõ ràng nhiều bệnh viện không thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế”.
Không chỉ chưa công khai viện phí mới, nhiều bệnh viện còn chậm cải tiến khâu thanh toán khi ra viện, gây khó khăn cho người bệnh. Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, cơ quan này có kế hoạch phối hợp với Bộ Y tế kiểm tra thực tế tại các bệnh viện đã tăng viện phí, đặc biệt lưu ý tới các bệnh viện tuyến Trung ương và 4 tỉnh có mức viện phí cao trên 90% mức trần là: Cao Bằng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đồng Tháp.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đang tích cực rà soát phương án viện phí của nhiều tỉnh thành và bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, vì đã phát hiện nhiều điều bất hợp lý trong việc đề xuất các khoản thu của các bệnh viện.
Điển hình như với kỹ thuật mổ viêm ruột thừa, tỉnh Quảng Trị và nhiều địa phương khác đề xuất thu 1,2 triệu đồng tiền chỉ khâu, trong khi thực tế chỉ có 400.000 đồng. Dịch vụ laze châm theo phác đồ điều trị không cần dùng kim nhưng tại tỉnh Cao Bằng lại tính thêm hàng chục nghìn đồng tiền kim. Hoặc tại Bệnh viện Trung ương Huế, giá mực cho 1 lần in kết quả siêu âm tim và mạch máu quá cao: 14.000 đồng, giấy in 3.000 đồng/tờ A4.
Cũng tại bệnh viện này, một lần siêu âm nội soi cần đến 7 chiếc mũ, 7 khẩu trang và 9 đôi găng tay, cao gấp 7 đến 9 lần so với thực tế.
Theo kế hoạch, đầu năm 2013, Bộ Y tế sẽ kiểm tra toàn hệ thống. Nếu bệnh viện nào thu viện phí không tương xứng so với chất lượng khám chữa bệnh cũng như cơ sở vật chất kỹ thuật sẽ buộc phải hạ viện phí dù đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt./.