Tại cuộc họp thông tin về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra chiều 5/4 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển cho biết: Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đã nhận được công văn số 336/TWPCTT ngày 16/3/2016 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai về việc “Theo dõi diễn biến nguồn nước về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sau hồ thủy điện Cảnh Hồng – Trung Quốc tăng lượng xả”.
Theo yêu cầu của Ban chỉ đạo, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đã liên tục theo dõi sát sao diễn biến dòng chảy trên dòng chính Mê Kông để kịp thời đưa ra các khuyến nghị kịp thời cho việc chủ động quản lý nước phòng chống xâm nhập mặn và lấy nước ở ĐBSCL.
Nhiều trạm bơm ở ĐBSCL phải vận hành liên tục để cung cấp nước cho đồng ruộng |
Xả nước phát điện ở các nước thượng lưu
Theo số liệu của Ủy hội sông Mê Kông, Trung Quốc đã có gia tăng phát điện từ ngày 9/3/2016 và đạt đỉnh từ ngày 12/3/2016. Mực nước tại Chiang Sean bắt đầu tăng từ ngày 12 đến 14/3 và khá ổn định từ 14/3 đến nay.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố xả nước từ 15/3 đến 10/4. Như vậy, thông báo này còn chậm hơn cả quá trình vận hành thực của thủy điện Jinghong làm gia tăng nước về hạ lưu, được xem là đợt xả bình thường của thủy điện Trung Quốc, lưu lượng xả tăng từ 1100 m3/s lên 2190 m3/s.
Tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL có thể sẽ được cải thiện hơn
Xả nước từ Lào
Bộ trưởng Năng lượng và mỏ của Lào tuyên bố xả nước phát điện vào khoảng 1130 m3/s từ ngày 23/3 đến hết tháng 5. Thực tế lượng xả gia tăng dự đoán chỉ vào khoảng 500-600 m3/s, một phần trước đó vẫn được xả phát điện.
Việc vận hành gia tăng của thủy điện Trung Quốc đã có ảnh hưởng về đến Việt Nam vào khoảng 4/4/2016.
Việc xả nước của các thủy điện dòng nhánh thuộc Lào về đến Việt Nam mất thời gian khoảng 8-10 ngày, được xem là nước về sẽ cùng với đợt nước về từ Trung Quốc, hiện được xem là đã về đến Việt Nam như dự báo trước đó (4/4) và có hiệu quả đẩy mặn từ 7/4/2016 trở đi./.