Ngoài tuyển dụng trực tiếp, chương trình năm nay còn tổ chức tuyển dụng trực tuyến để doanh nghiệp ở TP.HCM kết nối với nguồn lao động khắp các tỉnh thành trong cả nước.

Chương trình có sự tham gia của hơn 40 doanh nghiệp tuyển dụng trực tiếp và hơn 20 doanh nghiệp tuyển trực tuyến với trên 5.000 chỉ tiêu lao động ở những ngành như: Kỹ thuật, tài chính, marketing, vận tải, bảo hiểm, bất động sản,…

Bên cạnh hoạt động tư vấn trực tiếp, điểm mới của chương trình tiếp sức người lao động năm nay là tổ chức 4 tuần cao điểm tuyển dụng trực tuyến trong tháng 3. Người lao động và doanh nghiệp sẽ gặp gỡ, phỏng vấn thông qua ứng dụng Zoom. Hoạt động này hướng đến mục tiêu kết nối lao động khắp các tỉnh thành với doanh nghiệp tại TP.HCM, giúp lực lượng lao động tìm kiếm công việc phù hợp. Đến nay, chương trình đã có hơn 3.000 lao động và hơn 30 doanh nghiệp đăng ký tham gia tuyển dụng.

Bà Ngọc Thuý, phụ trách tuyển dụng Công ty Cổ phần Mắt bão BPO (quận Tân Bình) cho biết, Công ty đang có nhu cầu tuyển dụng 1.000 lao động mới, vì thời điểm giãn cách xã hội, một lượng lao động đã về quê nên rất thiếu nhân lực phục vụ sản xuất. Doanh nghiệp này kỳ vọng, thông qua chương trình sẽ có thêm nhiều lao động đồng hành cùng doanh nghiệp. 

“Năm nay lực lượng lao động dồi dào trở lại và thu hút rất nhiều nguồn từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ, đặc biệt các bạn trẻ cũng có nhu cầu làm part-time (làm theo ca) hoặc làm việc thời vụ. Đến với ngày hội tiếp sức người lao động hôm nay, chúng tôi hướng tới các bạn trẻ đang là sinh viên năm 2, 3 sẽ có cơ hội thực tập để tìm hiểu rõ về công việc cũng như định hướng nghề nghiệp của mình”- bà Ngọc Thúy cho biết.

Để đa dạng nguồn cung lao động, chương trình tiếp sức người lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM sẽ ký kết với các trường đại học, cao đẳng khu vực miền Trung để kết nối đến sinh viên có nhu cầu tìm kiếm việc làm. Trung tâm cũng liên kết với trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh thành, các doanh nghiệp để hỗ trợ lao động trở lại thành phố tìm việc. Combo việc làm 3 trong 1 “Nhà trọ 0 đồng- Test nhanh miễn phí- Có việc làm ngay” sẽ tiếp tục được triển khai để hỗ trợ người lao động.

Đến với chương trình “Tiếp sức người lao động và Sàn giao dịch việc làm”, Trần Khánh Duy, sinh viên trường Đại học Nguyễn Tất Thành (Quận 4) cho biết, đã đăng ký phỏng vấn tại một công ty vận tải. Khánh Duy cho rằng, đây sẽ là cơ hội để em và nhiều bạn trẻ đến với thị trường lao động. 

“Mục tiêu của em là đến chương trình để tham khảo các doanh nghiệp và hỏi về ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô em đang theo học. Em thấy chương trình khá bổ ích, nếu mình chịu khó tìm hiểu sẽ chủ động tiếp cận những cơ hội tốt cho bản thân”- em Trần Khánh Duy cho biết.  

Ông Nguyễn Quang Cường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM cho biết, thông qua chương trình “Tiếp sức người lao động và Sàn giao dịch việc làm” năm 2021 đã có khoảng 22.000 lao động tiếp cận được cơ hội nghề nghiệp và 30% người lao động có việc làm ngay. Trong bối cảnh các hoạt động sản xuất, thương mại, dịch vụ,… tại TP.HCM đã hồi phục sau dịch bệnh, các chương trình kết nối, việc làm sẽ là cầu nối cho doanh nghiệp và người lao động. 

“Thông qua các sàn giao dịch việc làm, doanh nghiệp sẽ tìm kiếm được những ứng cử viên phù hợp với những vị trí, việc làm đang cần tuyển dụng. Qua đó, doanh nghiệp cũng quảng bá thêm hình ảnh của mình, đặc biệt là muốn tuyển dụng về lâu về dài và thường xuyên trong năm. Người lao động có nhu cầu tìm việc cũng có thể liên hệ bất cứ thời gian nào để trong năm chúng tôi có thể hướng dẫn trực tiếp cho mọi người”- ông Nguyễn Quang Cường cho biết.

Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, nếu dịch COVID-19 được kiểm soát, trong năm 2022, thành phố cần được bổ sung khoảng 310.000 lao động. Vì vậy, các chương trình tiếp sức lao động được triển khai xuyên suốt trong năm sẽ là cầu nối giữa người lao động và doanh nghiệp tại TP.HCM, giải quyết bài toán thiếu hụt nhân lực sau dịch bệnh./.